Kịch bản giá điện bán lẻ năm 2019 đã được Bộ Công Thương xây dựng trên cơ sở đảm bảo EVN có lãi.
Tại cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh giá điện vào thời điểm phù hợp, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN sớm rà soát công bố công khai giá thành điện năm 2017 ngay trong tháng 11/2018, làm cơ sở để xây dựng kịch bản điều hành năm 2019.
Kịch bản giá điện có tính đến việc thực hiện giá khí trong bao tiêu theo giá thị trường, các khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ, biến động vật tư đầu vào (than, dầu) và chỉ đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu khoảng 3% cho EVN.
Công nhân ngành điện sửa chữa trên lưới điện tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành |
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, giá điện không điều chỉnh tăng trong năm 2018 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2018 dưới 4%.
Tuy nhiên, theo ông An, chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác,… nếu giá điện không được điều chỉnh gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện.
Ngoài ra, dự báo thời tiết năm 2019 sẽ bất lợi khi hiện tượng El Nino có thể gây ra hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thuỷ điện. Cùng đó, rủi ro từ không bảo đảm tiến độ vận hành các nhà máy điện tái tạo và các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của EVN vào giá thành sản xuất kinh doanh điện theo hợp đồng mua bán điện cũng là áp lực.
Thứ trưởng Công Thương cho biết, Bộ này đã xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện năm 2019 trên cơ sở các quyết định của cấp có thẩm quyền và để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện.
Đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là 1/12/2017. Theo đó, mỗi kWh điện tăng lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó. Hiện tổng chi phí bị “đội” lên năm 2018 và 2019 của EVN khoảng 20.735 tỷ đồng.
Nguyễn Hoài
Theo VNExpress