Chủ nhân của trang trại cá sấu lớn nhất miền Tây kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ mô hình nuôi thương phẩm và cung cấp giống.

Ông Trương Thanh Mai nổi tiếng ở xứ Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (Bạc Liêu) bởi mô hình nuôi cá sấu đem lại nguồn thu lớn.

Xuất phát điểm từ khó khăn, nhưng với quyết tâm làm giàu, sau lần được đi tham quan nuôi cá sấu ở các tỉnh bạn, ông quyết định triển khai mô hình này.

Với tổng đàn hơn 40.000 con cá sấu, hàng năm đem về thu nhập hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Ly Linh.

Đàn cá sấu giá bạc tỷ của ông Mai. Ảnh: Ly Linh.

Năm 1997, ông mua 100 con giống cá sấu từ An Giang về nuôi thử nghiệm. “Giá cá sấu giống lúc bấy giờ lên đến hơn 700.000 đồng mỗi con, thấy tôi đầu tư nhiều tiền của để nuôi, nhiều người cũng e ngại”, ông Mai nhớ lại.

Nhưng sau hai năm, ông thu hoạch với giá thương phẩm 180.000 đồng một kg và lãi gần 100 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông quyết định tăng đàn lên 400 con, rồi 1.600 con.

Chính nhờ cách nghĩ và cách làm khác người, cùng với sự tính toán hợp lý nên trong đợt cá sấu rớt giá kỷ lục vào năm 2002, trang trại của ông vẫn trụ vững với đầu ra ổn định. “Người nuôi cá sấu không thể phụ thuộc đầu ra vào thương lái mà phải có hướng đi riêng, do đó tôi dần chuyển hướng sang sản xuất con giống để bán lại”, ông Mai kể.

Sau nhiều năm, hiện trang trại của ông Mai có khoảng 40.000 con; trong đó có khoảng 2.000 con bố mẹ, với quy trình nuôi khép kín trên diện tích gần 4 ha, có hệ thống chuồng trại kiên cố.

Ông Mai thành công với mô hình nuôi cá sấu thương phẩm và sản xuất các mặt hàng từ da để xuất khẩu. Ảnh: Ly Linh.

Ông Mai thành công với mô hình nuôi cá sấu thương phẩm và sản xuất các mặt hàng từ da để xuất khẩu. Ảnh: Ly Linh.

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, nhiều năm qua, ông còn nhiệt tình hướng dẫn từ cách xây dựng chuồng trại đến khâu chăm sóc, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con trong vùng cùng nuôi.

Mỗi năm, trang trại ông Mai thu mua cho bà con khoảng 100.000-120.000 con cá sấu thương phẩm, và cung cấp ngược lại cho người nuôi khoảng 100.000 con giống có chất lượng cao.

Song song với việc sản xuất con giống cung cấp thị trường nội địa, ông Mai còn đẩy mạnh xuất khẩu cá sấu thương phẩm sang thị trường Trung Quốc.

Từ năm 2013, khi có được chứng nhận Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp), ông Mai bắt đầu xuất khẩu da cá sấu qua chế biến, và các sản phẩm mỹ nghệ từ da cá sấu qua thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Italy, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… Nhờ vậy, ông cũng giúp giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 150 lao động tại địa phương.

Ly Linh

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN