Thất bại đến chủ yếu do Asanzo non kinh nghiệm, sản phẩm gặp lỗi khi ra mắt, dù tập đoàn đã phát triển mạnh mảng TV.
Tại buổi giao lưu truyền cảm hứng khởi nghiệp với sinh viên Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) vào sáng ngày 3/10, trong khuôn khổ chương trình University Tour của Startup Việt 2018, ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch Asanzo thẳng thắn chia sẻ câu chuyện thất bại với dòng smartphone đầu tiên, Z5 và S5 năm 2017. Với giá chỉ 1-2 triệu đồng, sản phẩm được đánh giá vừa tầm với đại đa số người Việt. Nhưng khi tung ra thị trường, điện thoại phát sinh lỗi phần mềm, cấu hình…
“Chúng tôi phải dừng lại vì tồn tại nhiều lỗi, trả giá cho sự non nớt, thiếu kinh nghiệm ở mảng sản xuất điện thoại thông minh”, ông Tam nhìn nhận.
Trong chất giọng trầm ấm, chân thành, ông chủ Asanzo chia sẻ điện thoại thông minh của mình không chinh phục được thị trường do còn yếu về công nghệ, thiết kế còn rườm rà, chưa đánh trúng nhu cầu thiết thực nhất của người dùng. Các ứng dụng, tính năng chưa theo kịp nhu cầu của giới trẻ hiện đại. Cái giá phải trả là khoản lỗ 100 tỷ đồng chỉ cho riêng hai mẫu đầu tiên.
Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam nói vụ lỗ hơn 100 tỷ đồng vì thiếu kinh nghiệm làm smartphone là bài học quý giá để cải tiến những dòng sản phẩm sau. Ảnh: Hữu Khoa. |
Thách thức khi làm smartphone của Asanzo là minh chứng cho câu chuyện doanh nghiệp, nhất là các startup, luôn phải học hỏi và cải tiến bản thân. Với các bạn sinh viên, ông chia sẻ một trong những yếu tố quan trọng nhất khi khởi nghiệp là sự kiên trì, bản lĩnh không sợ thất bại và tinh thần dám bước tiếp sau những lần vấp ngã.
“Trong suốt thời gian gây dựng sự nghiệp, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu lần trở về tay trắng, thậm chí muốn tự tử. Nhưng sau đó lại dặn lòng phải bước tiếp. Đến giờ, tôi phải cảm ơn những lần phá sản đã cho tôi những kinh nghiệm, bài học để gây dựng Asanzo”, ông Tam nói.
Sau khi nhận thất bại đầu tiên, Asanzo vẫn tiếp tục phát triển smartphone S2, S3 và sắp ra mắt dòng S3 Plus, theo đuổi phân khúc điện thoại thông minh đầy đủ tính năng với giá thành rẻ phục vụ học sinh, sinh viên. Riêng dòng S3 Plus sắp ra mắt trong tháng 10 hứa hẹn tạo bước đột phá cho tập đoàn điện tử đa ngành Việt Nam.
Câu chuyện nhiều lần vấp ngã của ông Tam truyền cảm hứng cho gần 500 sinh viên tham dự sự kiện. Có hơn 80% khán phòng cho biết có ý định startup, chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, du lịch, công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao… Trong đó nhiều bạn cho biết mình có ước mơ nhưng không dám thực hiện do sợ thất bại.
“Em muốn phát triển công nghệ sản xuất giấy từ vỏ trấu, bảo vệ môi trường và giúp đỡ bà con nông dân. Nhưng em sợ thất bại, sợ thất vọng và mất tiền, lỗ vốn. Sau khi nghe anh Tam chia sẻ, em thấy tự tin hơn và không còn nhiều lo ngại như trước”, bạn Võ Văn Tánh – sinh viên Hutech nói.
Bạn Võ Văn Tánh – sinh viên Hutech muốn khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với dự án làm giấy từ vỏ trấu thay vì bột gỗ. Theo Tánh, tiềm năng của dự án lớn do tận dụng rác thải là vỏ trấu của bà con nông dân, từ đó tạo kế sinh nhai cho người dân vùng nông thôn, đồng thời bảo vệ môi trường. Ảnh: Hữu Khoa. |
Ngoài ra, nhiều sinh viên khác nhận lời khuyên từ ông Tam cho các dự án khởi nghiệp trong ngành hóa sinh, công nghệ, du lịch, ẩm thực… Khi sự kiện kết thúc, vẫn còn rất nhiều cánh tay giơ lên muốn chia sẻ ý tưởng. Hàng trăm sinh viên mong muốn gặp riêng ông chủ Asanzo để xin lời khuyên.
Ông Phạm Văn Tam nhận định, các bạn sinh viên dồi dào năng lượng khởi nghiệp nhưng cần trau dồi thêm kinh nghiệm.
“So với thời của tôi, các bạn trẻ ngày nay rất hăng say khởi nghiệp, nhưng điều các bạn thiếu là kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường. Sinh viên cần tranh thủ lợi thế tri thức từ nhà trường và những bài học trên đường đời để tiếp tục học hỏi và phát triển bản thân”, Chủ tịch Asanzo nói.
Sinh viên Hutech chụp ảnh và giao lưu cùng Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam sau khi kết thúc chương trình. Ảnh: Hữu Khoa. |
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh sắp tới, ông Tam cho biết Asanzo vẫn sẽ tiếp tục tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, đẩy mạnh khâu thiết kế, nhằm đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Các dòng điện thoại mới cũng sẽ tăng cường tối đa các tính năng đang được ưa chuộng nhất hiện nay như pin lớn, camera selfie, thiết kế vỏ kim loại, màu sắc đa dạng…
Ông Phạm Văn Tam khẳng định mảng smartphone sẽ là trọng tâm phát triển của doanh nghiệp. Mục tiêu trong hai năm tới, phân khúc điện thoại mang lại 30% tổng doanh thu cho tập đoàn, cung ứng ra thị trường trên 2 triệu chiếc. Ngay trong 2018, công ty tổ chức nhiều đợt ra mắt sản phẩm theo từng quý, với mức đầu tư 200 tỷ đồng, tung ra thị trường 600.000-700.000 sản phẩm.
S3 Plus có cảm biến vân tay đặt ở cạnh bên phải, dưới phím nguồn. |
Asanzo là tập đoàn điện tử đa ngành thành lập vào năm 2013. Sau 5 năm hoạt động, doanh nghiệp hiện xếp vị trí thứ tư về thị phần TV Việt Nam và đang đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng khác như điện tử gia dụng, công nghệ cao (smartphone, tablet…). Công ty đang có kế hoạch IPO và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Á.
Khánh Anh
Theo VNExpress