Hưởng lối sống hữu cơ của gia đình, Ma sớm tạo ra công thức riêng chăm sóc da từ thực vật, bán ở chợ đủ tiền học đại học Anh.
Susan Ma, hay Susie Ma, là con một trong gia đình Thượng Hải, theo chính sách một con của Trung Quốc. 7 tuổi, Ma theo gia đình đến Australia, nơi cô sớm bươn chải từ lúc người bố bỏ đi.
Cô kể lại: “Ngày đặt chân đến đó, tôi nhập học một trường công và chẳng nói được câu tiếng Anh nào. Nhưng tôi lại khá môn toán, bạn không hẳn cần giỏi ngôn ngữ cho môn này. Tôi đạt điểm tối đa trong tất cả bài kiểm tra nên khiến bạn học khá hậm hực”.
Sau đó, Ma quyết tự học tiếng trong hai tháng từ cuốn sách bố mua cho trước đó. Nhờ vậy, bạn bè dần không còn bắt nạt cô bé gốc Á.
Ở Australia, Ma sống trong thành phố Cairns, thuộc vùng nhiệt đới ẩm Queensland. Đây là nơi rất gần hệ thực vật trù phú của châu Đại Dương, thứ không chỉ cuốn hút mà còn đem lại hiểu biết và nguyên liệu thiên nhiên sẵn có cho Ma sau này làm mỹ phầm homemade (nhà làm).
Nhân vật trong Forbes 30 Under 30 tự tạo công thức chăm sóc da riêng và bán được gần 1.300 USD trong một ngày từ năm 15 tuổi. Ảnh: Cosmetics Business. |
Được 5 năm ở Australia, biến cố bố mẹ ly hôn xảy ra, Ma phải chuyển đến London, Anh, cùng mẹ và buộc mình dạn dĩ trước tuổi. Cô bé 12 tuổi đứng ra mặc cả tiền thuê căn hộ đầu tiên trên vùng đất mới, và tự mình đăng ký nhập học trường phổ thông.
“Tôi vẫn nhớ gọi điện cho nhà trường và tự ứng tuyển. Họ nói tôi còn quá nhỏ để trao đổi và muốn gặp phụ huynh nhưng tôi nói ‘không cần'”, Ma kể. Nguyên nhân là mẹ của Ma không biết tiếng Anh.
Thừa hưởng cảm hứng từ người bà, gia đình Ma vốn quen sống “hữu cơ”, từ việc dùng thực phẩm sạch cho đến những đồ vệ sinh cá nhân và thói quen làm đẹp.
Năm 15 tuổi, Ma dùng các nguyên liệu tự nhiên, tạo ra công thức chăm sóc da thiên nhiên đầu tiên của mình từ muối biển, hoắc hương, bơ mắc ca và tinh dầu khuynh diệp (bạch đàn). Cô bé đem bán trong chợ Greenwich ở thủ đô Anh, với động lực ban đầu góp tiền trả phí sinh hoạt cho gia đình.
Ngày đầu tiên, Ma đã bán được 49 lọ body scrubs (kem tẩy da chết) mình chế và đựng trong lọ mứt. Cô bé lần đầu mang về nhà 980 bảng Anh (gần 1.300 USD). Tiền kiếm được một phần Ma dùng mua thêm nguyên liệu và tái xuất khu chợ cứ mỗi cuối tuần và suốt các kỳ nghỉ hè. Từ ngày ấy, doanh nhân “nhí” đã phân ưu tiên: 80% cho học tập và 20% cho kinh doanh.
Ma dành một khoản đi học các lớp buổi tối về liệu pháp hương thơm, lấy kiến thức phát triển sản phẩm riêng. Đổi lại, theo lời Ma, chúng như “cỗ máy” in tiền cho cô thời điểm đó. Cô gái chia sẻ đã có lúc kiếm được tới 2.500 bảng (hơn 3.200 USD) một dịp cuối tuần. Hết phổ thông, Ma tiết kiệm đủ để tự trang trải sinh hoạt và học phí khi vào đại học London.
Năm 2011, Ma startup Tropic Skincare, chuyên các sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên và có trụ sở tại London. Câu chuyện làm mỹ phẩm sạch và kiếm tiền từ sớm giúp cô gái 23 tuổi, cùng năm, có vai trong show truyền hình thực tế về khởi nghiệp nổi tiếng của BBC, The Apprentice (Người tập sự). Dù bị Telegraph bình chọn là một trong những thí sinh “đơ” nhất trong lịch sử The Apprentice, với loạt phát ngôn có phần ngây ngô, Ma chứng minh được những kỹ năng kinh doanh giỏi.
Susie Ma dừng chân trong top 4 nhưng nằm trong nhóm “người tập sự” được “Lord” Sugar của chương trình nhắm đến liên hệ về sau. Trùm đầu tư nước Anh này sau đó hợp tác 50/50 với Tropic.
Trùm đầu tư Anh “Lord” Sugar và Susie Ma chia đều sở hữu thương hiệu chăm sóc da Tropic. Ảnh: Tropic Skincare. |
Về nhà, lập tức Ma nhận 2.000 đơn đặt hàng trên website riêng, khiến cô phải dẹp các kỳ nghỉ mà lao vào sản xuất. Cùng sự trợ giúp của ông Sugar, Ma dần gây dựng Tropic. Cô chuyển từ căn bếp tại gia đến xưởng sản xuất.
Dù vậy, các loại kem chăm sóc da và xà bông của Tropic là sản phẩm homemade, như hầu hết các dòng mỹ phẩm của họ. Một số chiết xuất từ thực vật trên đất Australia hoặc rừng rậm Amazon.
Với tỷ lệ khoảng 1 trong số 8 thành phần làm mỹ phẩm là tác nhân gây ung thư, nhà sáng lập Tropic tâm huyết giảm lượng hóa chất tổng hợp lên da, đưa xuống mức tối thiểu ảnh hưởng của chúng lên cơ thể và môi trường. Cô mong góp phần tạo thói quen dùng sản phẩm thành phần tự nhiên và ít hại nhất tới Trái Đất.
Tropic kinh doanh theo mô hình social selling (bán hàng xã hội), tức là thông qua những cá nhân độc lập đi chào sản phẩm mà công ty gọi “Đại sứ”. Bên cạnh đó, các sản phẩm của họ được bán trực tuyến. Ma không chọn bày bán ở các cửa hàng vì không muốn cạnh tranh với chính những đại sứ của mình.
“Gia đình” Tropic hiện gồm hơn 10.000 đại sứ, trên 100 dòng sản phẩm và tiếp tục tăng trưởng. Startup này thắng giải Best Business Award 2016 và “đế chế” mỹ phẩm thiên nhiên cũng đưa CEO Susie Ma góp mặt trong danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2018, điều cô chưa từng dám mơ tới.
Nữ khởi nghiệp ấp ủ mở rộng ra các dòng chăm sóc tóc, sản phẩm cho nam giới và tấn công thị trường nước ngoài. Nhưng vội vã vì mục tiêu lợi nhuận chưa bao giờ nằm trong giá trị cốt lõi Ma theo đuổi, cô cho biết.
Doanh nhân 30 tuổi khuyên những nhà khởi nghiệp nên bắt đầu nhỏ: “Ý tưởng không cần đao to búa lớn. Bạn có thể đi đường ngách, nhưng hãy đảm bảo mình thực hiện những bước nhảy”.
Quốc Việt
Theo The Times
Theo Ngôi Sao