Thân xe đua chủ yếu làm từ sợi carbon, động cơ 1.6 sinh công suất gần 1.000 mã lực và mức giá có thể lên tới 12 triệu USD.

Hà Nội mới đây đề xuất đua xe F1 (Formula 1) ở Mỹ Đình, nếu thành công trong việc thương thảo giữa thành phố và đơn vị tổ chức. Giải đua hấp dẫn bậc nhất hành tinh thu hút bởi những màn rượt đuổi tốc độ mà nền tảng đến từ những mẫu xe được phát triển với nguồn kinh phí khổng lồ.

Xe đua công thức 1 có thiết kế một chỗ, động cơ đặt ngay sau lưng người lái. Các hãng đua phải có đội ngũ nghiên cứu riêng về công nghệ, tuy nhiên thiết kế sản phẩm và sản xuất có thể thuê từ một đơn vị khác.

Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA) là đơn vị tổ chức giải đua, chịu trách nhiệm chính về các quy định, quy tắc liên quan. Để có sự công bằng giữa các đội đua, động cơ xe dù sản xuất bởi hãng nào cũng phải tuân theo những quy định chung.

Xe đua F1 của đội Ferrari 150 Italia do Fernando Alonso cầm lái tại trường đua Interlagos, Sao Paulo, Brazil năm 2011. Ảnh: Formula1.

Xe đua F1 của đội Ferrari 150 Italia do Fernando Alonso cầm lái tại trường đua Interlagos, Sao Paulo, Brazil năm 2011. Ảnh: Formula1.

Những chiếc F1 được chế tạo với phần lớn là hợp chất sợi carbon và các loại vật liệu trọng lượng nhẹ. Trọng lượng tối thiểu của xe phải đạt ngưỡng 728 kg, không bao gồm tài xế và nhiên liệu. Do sử dụng nhiều loại lốp khác nhau, nên thời điểm tính khối lượng, xe phải trang bị loại lốp cho đường khô.

Kích thước theo quy định lần lượt dài 5.100-5.450 mm, rộng 2.000 mm và cao 950 mm. Trục cơ sở xe dao động từ 3.200-3.700 mm. Một chiếc F1 được lắp ráp từ 80.000 chi tiết, với độ chính xác lên đến 99,9%. Xe có thể tham gia chặng đua với khoảng 80 chi tiết lắp ráp sai.

Ở mùa giải 2017, xe F1 sử dụng loại vật liệu sợi carbon, với kết cấu rỗng tổ ong. Động cơ của loại xe đua này cũng thay đổi qua từng thời kỳ, mùa giải. Hiện tại, có 4 hãng sản xuất động cơ xe đua F1 gồm Ferrari, Honda, Mercedes, Renault.

Xe đua F1 từ 2014 tới nay sử dụng động cơ 1.6 V6, đường kính xi-lanh tối đa 80 mm, hành trình piston 53 mm, cam kép DOHC, 24 van (4 van/xi-lanh), sử dụng bộ tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp. Công suất động cơ đạt mức 850 mã lực tại 18.000 vòng/phút cùng 160 mã lực tạo ra từ hệ thống tái tạo năng lượngERS (Energy Recovery System), mô-men xoắn 400-500 Nm.

Tốc độ tối đa đạt 360 km/h. Bộ tăng áp của xe là loại tăng áp hybrid, gồm một tua-bin tốc độ cao và máy nén điện. Xe sử dụng hộp số 8 cấp. Xe đua F1 có thể tăng tốc 0-100 km/h trong khoảng 2,4 giây, 0-200 km/h trong 4,4 giây và 0-300 km/h trong khoảng 8,4 giây.

Đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ Lewis Hamilton chạy chiếc Mercedes-AMG F1 W09 EQ Power+ tại đường đua Barcelona, Tây Ban Nha, tháng 3/2018. Ảnh: Mark Sutton.

Đội ngũ kỹ thuật viên hỗ trợ Lewis Hamilton chạy chiếc Mercedes-AMG F1 W09 EQ Power+ tại đường đua Barcelona, Tây Ban Nha, tháng 3/2018. Ảnh: Mark Sutton.

Động cơ xe F1 có thể nạp khoảng 450 lít khí mỗi giây, mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 75 lít/100 km. Nhiên liệu sử dụng cho xe F1 không khác biệt nhiều so với dùng cho xe gia đình, tuy nhiên các đội đua có cách thức pha trộn khác, để tăng hiệu năng cho động cơ.

Trên đường đua F1, có những thời điểm chiếc F1 có thể vận hành với tốc độ hơn 300 km/h và phải giảm tốc rất nhanh. Do đó, bộ phanh đĩa carbon, lốp xe và thiết kế khí động học có vai trò rất quan trọng. Trong vòng 4 giây, chiếc F1 từ chỗ đứng yên có thể đạt tốc độ 160 km/h và dừng lại hoàn toàn.

F1 là những cỗ máy ngốn lốp, bởi một bộ lốp chỉ sử dụng được khoảng 90-120 km, trong khi với xe thông thường con số này khoảng 60.000-100.000 km. Với điều kiện mặt đường khô, bộ lốp của xe F1 có đạt hiệu năng tốt nhất khi ở nhiệt độ 900-1.200 độ C. Ở tốc độ tối đa, lốp F1 quay đến 50 vòng/giây.

Trang bị an toàn cho tay đua bắt buộc gồm hệ thống dây an toàn 6 điểm và thiết bị HANS (bảo vệ cổ và đầu). Mũ bảo hiểm của tay đua có thể chịu nhiệt độ cao đến 800 độ C, trong khi toàn bộ đồ bảo hộ có thể chịu nhiệt độ 840 độ C trong 11 giây. Thời gian này đủ để đội ngũ cứu hộ có thể ứng cứu trong trường hợp tai nạn xảy ra.

Do ứng dụng những công nghệ, vật liệu cao cấp nhất của ngành công nghiệp ô tô, nên  chi phí đầu tư của các đội đua rất lớn. Theo Autoweek, những đội đua lớn tốn hàng trăm triệu USD mỗi mùa. Ví dụ Red Bull Racing khi vô địch năm 2012 tiêu tới 270,2 triệu USD, tức mỗi vòng đua “đốt” 13,5 triệu USD. Những đội xếp cuối cùng, ít kinh phí nhất cũng khoảng 5 triệu USD mỗi vòng. Riêng tiền chất liệu chế tạo xe đã tới 2,6 triệu USD.

Phương Linh

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN