UrBox mong muốn biến việc tặng quà không chỉ là những dịp đặc biệt, mà trở thành một thói quen giúp bày tỏ cảm xúc với nhau dễ dàng hơn.
Tháng 7 vừa qua, UrBox.vn – startup về quà tặng điện tử là một trong 4 dự án xuất sắc nhận vốn đầu tư từ Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Cùng với 79 dự án khác trên toàn cầu, UrBox được chọn tham gia chương trình K-Startup Grand Challenge – do chính phủ Hàn Quốc đầu tư và hỗ trợ chi phí tham gia vào khoá đào tạo trong hơn 3 tháng tại Hàn Quốc.
Với Trương Công Hiếu – CEO kiêm founder dự án, đây là cơ hội để cho một startup khá đặc thù như UrBox có thể kết nối thị trường thế giới thông qua hoạt động gặp gỡ với chuyên gia nước ngoài.
Tiền thân của Urbox là dự án cung cấp quà tặng cho doanh nghiệp Tô Quà ra mắt thị trường năm 2015. Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, từng làm việc tại một số công ty lớn, Hiếu nhận thấy các chương trình tri ân, trao thưởng cho khách hàng tại các doanh nghiệp thường áp dụng hình thức truyền thống. Công việc tìm kiếm món đồ giá trị và tặng tận tay khá mất thời gian và tốn kém.
“Ý tưởng về một giải pháp tốt hơn dựa vào việc điện tử hoá quà tặng để giải quyết các vấn đề trên giúp Tô Quà ra đời và đến này là UrBox”, anh nhớ lại.
Thời điểm đó, Hiếu hiện thực hóa ý tưởng dựa trên nền tảng web 2.0 đơn giản. Do thiếu kinh nghiệm, anh và cộng sự chưa hiểu hết nhu cầu thị trường. “Nói cách khác là chúng tôi tạo ra một sản phẩm dựa theo chủ quan và bắt thị trường sử dụng. Vì vậy không bất ngờ là trong 2 năm đầu dự án không tạo được dấu ấn”, chàng trai trẻ kể tiếp.
Trương Công Hiếu – CEO kiêm founder dự án quà tặng điện tử UrBox.vn. |
Nhớ lại, Hiếu nói: Đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, thiếu vốn, thiếu nguồn lực, thiếu kinh nghiệm, có thời điểm bản thân founder là nhân viên duy nhất vận hành dự án. Để có tiền duy trì và sinh hoạt, thậm chí bản thân tôi đi làm thêm. Vì tốn quá nhiều công sức nên tôi không nỡ từ bỏ dự án này.
Tháng 7/2017, UrBox.vn ra đời thay thế hoàn toàn Tô Quà – dựa trên triết lý “Thay đổi hay là chết”. Mục tiêu CEO sinh năm 1992 đặt ra là trở thành giải pháp điện tử mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp trong việc chăm sóc, tri ân khách hàng, tiết kiệm các chi phí như lưu kho, phân phối và kiểm soát dễ dàng.
Ngay sau một tuần ra mắt, dự án có khách hàng đầu tiên là một ngân hàng số khá nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này giúp chàng trai gốc Quảng Ninh tự tin về hướng đi mới của mình.
Theo Hiếu, áp lực lớn nhất khi anh thực hiện dự án chính là thói quen của người dùng Việt, “quà phải nhìn thấy hoặc giao tận tay”. Điều này không sai, song từ kinh nghiệm anh thấy rằng hình thức truyền thống thường bó hẹp trong một vài dịp chính như sinh nhật, kỷ niệm, ngày lễ… hoặc dành cho đối tượng đặc biệt là bạn thân, người yêu, gia đình…
“Đối với những người đang tìm kiếm các món quà hàng ngày, cho những người không quá đặc biệt nhưng họ vẫn muốn thể hiện thái độ trân trọng, với giá trị hợp lý thì hình thức tặng quà thông thường hoàn toàn không phù hợp”, anh lý giải.
Hiếu cho biết, với việc mang đến hình thức quà tặng điện tử – là những món quà đơn giản hàng ngày như một ly cà phê, cốc trà đào, chiếc bánh ngọt, hay bữa ăn nhỏ… bất kể ai là đồng nghiệp, đối tác, những người bạn lâu năm không gặp đều có thể gửi kèm ngay lập tức qua những dòng tin nhắn trên thiết bị số.
“UrBox mong muốn mang lại nhiều cảm xúc hơn và niềm vui hơn đến mọi người trong xã hội hiện đại. Mục tiêu của chúng tôi là biến việc tặng quà sẽ không còn là những thứ đặc biệt, mà trở thành một thói quen giúp mọi người giao tiếp và thể hiện cảm xúc với nhau dễ dàng hơn”, anh nói.
Nhờ đó, giải pháp quà tặng điện tử giảm thiểu chi phí, nguồn lực và đặc biệt thời gian cho các doanh nghiệp thay vì 2-3 tháng nay họ chỉ cần 1-2 tuần chuẩn bị. Ngay khi khách hàng đăng ký dịch vụ quà tặng điện tử của doanh nghiệp sẽ lập tức được quyền chọn món quà thích nhất, và quan trọng là mỗi người nhận có một trải nghiệm mới so với hình thức tặng truyền thống.
Nhận định về cơ hội, Hiếu cho biết thị trường quà tặng điện tử tại Việt Nam được dự đoán ở mức 1,2 tỷ USD vào năm 2020 và gắn liền với tốc độ phát triển của ngành bán lẻ. Tại Việt Nam, hiện không ít các doanh nghiệp trong lĩnh vực đến từ các quốc gia đã hình thành văn hóa sử dụng quà tặng điện tử như Hàn Quốc, Singapore…
“Khác biệt chúng tôi chính là sự linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu quà tặng của từng doanh nghiệp nhờ đó các khách hàng dễ dàng chấp nhận giải pháp dự án đem đến”, chàng trai 26 tuổi chia sẻ.
Hiện UrBox có hơn 100 đối tác cung cấp quà tặng và hơn 1.000 mạng lưới cửa hàng chấp nhận đổi quà trên khắp Việt Nam, với hơn 50.000 món quà điện tử đã chuyển đến tay người nhận. Dự án có hơn 30 nhân viên tại văn phòng Hà Nội và TP HCM. Mức độ tăng trưởng bình quân mỗi tháng của UrBox là 33%. Khách hàng chính là các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, công nghệ…
Hiếu cho biết, tới đây anh sẽ tập trung đa dạng hệ sinh thái sử dụng quà tặng điện tử và phục vụ nhiều mục đích khác nhau của doanh nghiệp như: tri ân khách hàng, trao thưởng nhân viên, quay số trúng thưởng… UrBox đang tìm kiếm thêm nguồn vốn đầu tư nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Với tiền đề đã có, kỳ vọng của chúng tôi là trở thành đơn vị tiên phong trên thị trường quà tặng điện tử Việt Nam và phát triển sang thị trường khu vực và quốc tế trong vài năm tới”, CEO trẻ này dự tính.
Thành Tâm
Theo VNExpress