NASA ghi lại nhiều hình ảnh ngoạn mục trong thời gian dài hoạt động như Trái Đất nhìn từ ngoài vũ trụ, các hành tinh hay tinh vân xa xôi.
Đêm Giáng Sinh năm 1968, ba phi hành gia Frank Borman, Jim Lovell và William Anders ghi lại hình ảnh Trái Đất và Mặt Trăng nhìn từ tàu vũ trụ Apollo 8. Bức ảnh sau này được biết đến với tên gọi “Trái Đất mọc” và trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những người yêu thiên văn.
Phi hành gia Harrison H. Schmitt đứng cạnh một tảng đá lớn ở thung lũng Taurus-Littrow trên Mặt Trăng ngày 13/12/1972. Ông cùng đồng nghiệp đáp xuống vệ tinh tự nhiên này từ tàu vũ trụ Apollo 17. Đây cũng là nhiệm vụ cuối cùng đưa con người lên Mặt Trăng tính đến nay.
Phi hành gia Bruce McCandless lơ lửng tự do giữa vũ trụ, cách rất xa bề mặt Trái Đất. Ông là người thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian không dây bảo hộ đầu tiên ngày 12/2/1984. Khi đó, ông bước ra khỏi tàu con thoi Challenger và chỉ đeo thêm một bộ phản lực.
Ảnh chụp thiên hà Sombrero, còn gọi là Messier 104, có hình dáng giống như một chiếc mũ rộng vành Mexico được kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại. Thiên hà này trải rộng khoảng 50.000 năm ánh sáng và cách Trái Đất 28 triệu năm ánh sáng. Bức ảnh được NASA công bố ngày 2/10/2003.
Tinh vân NGC 6302 trông giống một chú bướm, nhưng đôi cánh trong ảnh thực chất là vùng khí nóng tới 20.000 độ C đang tỏa ra không gian. NGC 6302 cách Trái Đất khoảng 3.800 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Scorpius. Hình ảnh trên được chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble ngày 27/7/2009.
Hình ảnh tinh vân Ring trong chòm sao Lyra, cách Trái Đất khoảng 2.000 năm ánh sáng, do kính viễn vọng không gian Hubble chụp và được công bố ngày 23/5/2013. Các chuyên gia đã đổ màu cho bức ảnh để minh họa thành phần hóa học của tinh vân. Vùng xanh đậm ở giữa tượng trưng cho heli, phần xanh nhạt ở vòng trong là hydro và oxy. Vòng ngoài màu cam đỏ cho thấy sự hiện diện của nitơ và lưu huỳnh.
Cụm sao khổng lồ với khoảng 3.000 ngôi sao này là Westerlund 2, đặt tên theo nhà thiên văn Thụy Điển Bengt Westerlund, người phát hiện ra cụm sao vào những năm 1960. Bức ảnh do kính viễn vọng Hubble ghi lại và được công bố ngày 23/4/2015. Westerlund 2 nằm trong chòm sao Carina, cách Trái Đất 20.000 năm ánh sáng. Cụm sao này mới khoảng hai triệu năm tuổi và chứa một số trong những ngôi sao có khối lượng lớn nhất, nóng và sáng nhất dải Ngân Hà.
Ngày 8/10/2014, tàu vũ trụ Solar Dynamics Observatory (SDO) chụp ảnh Mặt Trời trông như đèn bí ngô vào dịp Halloween. Những khu vực đang hoạt động trong ảnh nhìn rực rỡ hơn vì chúng phát ra nhiều năng lượng và ánh sáng hơn, NASA giải thích.
Hình ảnh do NASA công bố ngày 30/6/2016 cho thấy cực quang xuất hiện ở vùng cực sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Cực quang hình thành khi các hạt mang điện trong không gian xung quanh một hành tinh va chạm với khí quyển ở gần cực từ khiến khu vực đó phát sáng. Từ quyển của sao Mộc mạnh gấp 20.000 lần Trái Đất.
Trái Đất lấp lánh ánh đèn vào ban đêm khi nhìn từ ngoài vũ trụ. Trong ảnh là khu vực châu Mỹ, được chụp vào năm 2016.
Ảnh: NASA
Theo VNExpress