Khoáng chất uakitite hình thành ngoài vũ trụ và cứng hơn kim cương, được đưa tới Trái Đất nhờ thiên thạch.
Uakitite được phát hiện trong một thiên thạch rơi xuống Siberia, Nga. Ảnh: Mirror. |
Các nhà khoa học Nga phát hiện khoáng chất mới cứng hơn kim cương trong một thiên thạch, Mirror hôm qua đưa tin. Thiên thạch được thợ săn vàng tìm thấy ở Siberia cách đây hai năm, và nhóm nghiên cứu đã nhiều lần kiểm tra tổng quát viên đá từ đó. Họ kết luận thiên thạch chứa một vật chất chưa từng thấy trước đây hình thành trong vũ trụ và đặt tên cho vật chất đó là “uakitite”.
Boris Shustov, viện trưởng Viện Thiên văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết việc tìm thấy các khoáng chất mới trong thiên thạch khá phổ biến bởi chúng hình thành trong điều kiện cực khác với Trái Đất. “Đây là hiện tượng thường gặp bởi một số khoáng chất ra đời trong điều kiện vũ trụ và không có trên Trái Đất”, Shustov nói.
Thiên thạch trong nghiên cứu được khai quật vào năm 2016 ở Buryatia, phía nam nước Nga. Lượng khoáng chất mới nhỏ đến mức phải áp dụng kỹ thuật kiểm tra đặc biệt như nhiễu xạ điện từ thay vì phân tích tia X như truyền thống. Nhóm nghiên cứu ở Đại học Liên bang Ural, Đại học Novosibirsk và Viện địa chất học chi nhánh Siberia công bố phát hiện tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội thiên thạch học.
Theo các nhà khoa học, thiên thạch bị nung tới hơn 1.000°C, hình thành những liên kết troilite-daubreelite, trong đó có uakitite. Quá trình tạo ra những tinh thể lập phương hoặc hạt tròn. Kích thước của các hạt uakitite không quá 5 micromet.
Về mặt cấu trúc, uakitite có liên quan đến khoáng chất carlsbergite (CrN) và osbornite (TiN). Các đặc tính vật lý của uakitite rất khó đánh giá do kích thước hạt quá nhỏ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng nó màu vàng trong suốt và có ánh kim, sở hữu độ cứng lớn hơn kim cương. Một phòng thí nghiệm đặc biệt đã được lập ra ở Đại học Liên bang Ural để nghiên cứu sâu hơn về khoáng chất mới.