Phát triển mạnh mẽ sau 7 tháng ra mắt, Luckin được dự báo sẽ sớm trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ café tại Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Starbuck, thương hiệu café này đã mở 3.300 cửa hàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới và gần như không có đối thủ cạnh tranh trong những năm qua.

Tuy nhiên thế độc tôn này đang có nguy cơ thay đổi khi Luckin Coffee, một công ty khởi nghiệp đặt trụ sở tại Bắc Kinh đã mở thành công 525 cửa hàng tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chỉ sau 7 tháng hoạt động. Mới đây, Luckin cũng nhận thêm 200 triệu USD vốn đầu tư, nâng tổng giá trị lên mức một tỷ USD và gia nhập câu lạc bộ startup kỳ lân của Trung Quốc.

Luckin được thành lập bởi Jenny Qian Yazhi, cựu giám đốc điều hành của công ty cho thuê xe công nghệ hàng đầu Trung Quốc – CAR Inc. Đầu năm nay, Jenny đã bỏ việc để khởi nghiệp, cô mở các cửa hiệu café  Luckin tại Thượng Hải và Bắc Kinh phục vụ café phong cách Mỹ cùng nhiều loại bánh ngọt. Tính đến nay, Luckin đã phục vụ 1,3 triệu lượt khách hàng và bán ra khoảng 5 triệu cốc đồ uống.

Xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Luckin mạnh dạn đặt thương hiệu vào thế so sánh với Starbuck. Vào tháng 5/2018, thương hiệu này viết một bức thư ngỏ trong đó cáo buộc phương thức kinh doanh của Startbuck là “hành vi độc quyền”. Đáp trả lại, Startbuck cho rằng hành động của Luckin Coffee chỉ là “chiêu trò quảng cáo”.

Mặc dù nằm trong thế cạnh tranh với Starbuck,con đường và chiến lược của Luckin có nhiều điểm khác biệt. Luckin phát triển bằng việc gắn kết các xu hướng công nghệ đang phát triển tại Trung Quốc với mô hình tiệm café mà Starbuck đang thống lĩnh.

Luckin đã phục vụ 1,3 triệu lượt khách hàng và bán ra khoảng 5 triệu cốc đồ uống. Ảnh: QZ

Luckin đã phục vụ 1,3 triệu lượt khách hàng và bán ra khoảng 5 triệu cốc đồ uống. Ảnh: QZ

Trước tiên Luckin Coffee mở mô hình bán café qua ứng dụng smartphone. Khách hàng có thể đặt hàng online, và có hai lựa chọn, hoặc là tự đến cửa hàng gần nhất để lấy đồ uống hoặc đặt giao tận nơi trong vòng 30 phút. Họ có thể dùng ứng dụng Wechat hoặc ví café của Luckin thanh toán, hoàn toàn không cần dùng đến tiền mặt.

Luckin cũng quyết liệt quảng cáo dịch vụ giao hàng. Công ty có hai phần khúc chính, một bên là các cửa hiệu café và một bên là các căn bếp pha chế nơi chuyên phục vụ cho các đơn hàng giao tận nơi. Hiện số căn phếp pha chế chiếm khoảng hơn 40% trong tổng số chi nhánh của Luckin… Mô hình hoạt động của Luckin tương đồng với sự bùng nổ thương mại điện tử và dịch vụ giao đồ ăn của Trung Quốc, vốn đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự ra đời của đội ngũ giao hàng giá rẻ.

Trong chiến lược marketing, Luckin cũng khác hoàn toàn với Starbuck. Thương hiệu café đến từ Mỹ thường tránh sử dụng các hình thức quảng cáo truyền thống, trong khi Luckin xuất hiện khắp các thành phố bằng biển hiệu cỡ lớn với hình ảnh những ngôi sao như Thang Duy hay Trương Chấn đang cầm trên tay chiếc ly với hai màu xanh, trắng theo nhận diện thương hiệu Luckin. Đây là phương pháp quảng cáo truyền thống của Trung Quốc vốn được nhiều công ty sản xuất điện thoại lớn như Oppo, Vivi, Xiaomi sử dụng.

Thang Duy và Trương Chấn là hai đại diện thương hiệu trong chiến dịch quảng cáo của Luckin. Ảnh: scmp

Thang Duy và Trương Chấn là hai đại diện thương hiệu trong chiến dịch quảng cáo của Luckin. Ảnh: scmp

Giá đồ uống của Luckin khá rẻ. Tại Bắc Kinh, một cốc Americano cỡ lớn hoặc một tách macha latte có giá khoảng 21 tệ (khoảng 75.000 đồng), thấp hơn so với Starbuck từ 20 đến 30%.

Mặc mảng dịch vụ giao café tận nơi đang phát triển mạnh, đại diện Luckin cho biết, mở các cửa tiệm café lớn mới là mục tiêu hoạt động chính. Jenny Qian Yazhi hy vọng, mô hình căn bếp pha chế sẽ chỉ chiếm khoảng 15% tổng số điểm bán café của Luckin trong tương lai.

Tuy nhiên với mức giá rẻ và chi phí mở rộng thị trường đang tăng mạnh, liệu công ty này có thể chứng minh được giá trị và trở thành  người khổng lồ của lĩnh vực bán lẻ café? Jeff Towson, giáo sư về đầu tư tại Đại Học Bắc Kinh nhận định, một trong những nhân tố góp phần lớn trong thành công toàn cầu của Starbuck là nhờ sức mạnh bất động sản, thương hiệu này thường đặt cửa hàng tại những địa điểm đắt đỏ, lượng giao thông qua lại cao và các đối thủ không đủ khả năng thuê.

Các cửa hiệu của Luckin lại không nằm ở những vị trí đắc địa. Công ty sử dụng ứng dụng công nghệ thu hút người dùng đến những địa điểm kém sầm uất hơn để có mức thuê rẻ. “Sự yếu thế về mặt địa điểm có thể vượt qua chỉ khi Luckin có một ứng dụng luôn hiện hữu trong chiếc điện thoại của khách hàng”, Jeff Towson nhấn mạnh.

Vi Vũ (Theo Quazt)

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN