Rẻ hơn bếp ga thường, an toàn cao, hạn chế ô nhiễm… sáng chế bếp ga sinh học của Việt Nam thu hút sự chú ý khi được giới thiệu tại Nhật Bản.
Nhìn bề ngoài bếp giống như bếp ga thông thường nhưng khác biệt ở chỗ không cần dùng bình ga. Người dùng chỉ cần cho nhiên liệu dạng nhỏ vụn (mùn cưa, vỏ trấu) hay dạng thanh củi vào, mất vài giây nhóm lửa và tăng giảm nhiệt độ như mong muốn. Với bếp ga này, để nấu chín một nồi canh, rang thịt hay đun một ấm nước cần khoảng một kg trấu hay mùn cưa, lõi ngô…
KS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, phiên bản mới nhất được hoàn thành đầu năm 2018. Ở phiên bản này, bếp ga được cải tiến hình thức đẹp hơn, có thể dùng nhiều loại nhiên liệu. Bếp được tháo lắp dễ dàng và tùy biến thiết kế theo công suất để phù hợp với gia đình hoặc nhà hàng, bếp ăn công nghiệp hay chế biến nông, lâm sản. Có điện hay mất điện, bếp vẫn sử dụng được.
Bếp được thiết kế công suất lớn hơn dùng cho các nhà hàng. Ảnh: PN. |
Bếp có hiệu suất cháy rất cao. Theo tính toán, để đun sôi 5 lít nước thì bếp ga sinh học đun nhanh hơn bếp ga thông thường và bếp đun than, trấu, rơm rạ. Đặc biệt do tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nên bếp có chi phí rẻ hơn 3 lần bếp ga thường và bằng một nửa so với bếp đun cùng loại sinh khối. Nhiên liệu được đốt tối ưu nên rất ít tro thải. Nhiên liệu dùng không hết sẽ được bảo tồn để sử dụng cho lần đun tiếp theo.
Ông Hà đánh giá đây là tính năng chưa từng có ở tất cả các bếp sử dụng nhiên liệu sinh khối, giúp giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nhiên liệu, rất phù hợp với các vùng nông thôn.
Đặc biệt do khí ga tạo ra ở áp suất bình thường, sau đó dùng điện một chiều 12 vôn cho quạt cấp khí nên bếp không xảy ra hiện tượng nổ, điện giật. Bếp cũng được thiết kế hệ thống chống nóng nên đun lâu, vô ý chạm vào cũng không bị bỏng.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (người chống tay) thăm xưởng sản xuất bếp sinh học. Ảnh: PN. |
So sánh với các loại bếp ga trên thị trường, bếp ga sinh học của Việt Nam có nhiều ưu thế nên có thể tính đến việc xuất khẩu sản phẩm và công nghệ.
Ông Hà cho biết, hiện công nghệ này đã sẵn sàng chuyển giao để sản xuất quy mô lớn. Mới đây nhóm nghiên cứu sang Nhật Bản giới thiệu và nhận được đề nghị cải tiến để ngọn lửa không trùm ra ngoài, đảm bảo an toàn cao hơn do người Nhật sử dụng nhiều nhà bằng gỗ.
Ở phiên bản mới nhất, bếp có giá khoảng 1,8 triệu đồng/chiếc. Với phiên bản đầu tiên, nhóm nghiên cứu dùng nhiên liệu từ các phụ phẩm nông nghiệp nhưng phải được chế biến thành các dạng viên nén.
Dù viên nén cháy được lâu, cho nhiệt cao hơn nhưng việc tạo các viên nén mất thêm nhiều công đoạn, không phù hợp với vùng nông thôn. Thêm nữa phiên bản ban đầu có giá cao, khoảng 4-5 triệu đồng/chiếc. Những hạn chế này đã được điều chỉnh sau đó.
Sản phẩm được Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Công ty TNHH công nghệ năng lượng Thiên Thanh phát triển, thiết kế từ năm 2013, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2015.