Cơm rượu có tính nóng, không dùng cho người có thể trạng nóng, hay nổi mụn, lưỡi đỏ không có rêu hoặc rêu lưỡi vàng, nước tiểu vàng…
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Khoa Y học Cổ truyền Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho biết cơm rượu là món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ, cùng với những món ăn khác tùy theo vùng miền.
Cơm rượu theo y học cổ truyền có tính nóng. Ngày Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày cực dương, ngày sâu bọ sinh sôi nảy nở nhiều nhất, kể cả những ký sinh trùng lưu trú trong cơ thể người. Vào ngày này, mọi người thường ăn cơm rượu để không cho ký sinh trùng trong người phát triển. Ngoài ra còn động viên mọi người cùng bắt sâu bọ cho hoa màu.
Theo bác sĩ Thắng, cơm rượu có tính nóng, do đó không nên sử dụng cho người có thể trạng nóng. Theo y học cổ truyền, người thể trạng nóng là người không cân bằng giữa âm và dương, phần âm không khống chế được phần dương và biểu hiện nóng trội lên.
Biểu hiện này thường là cảm giác nóng, bứt rứt, ngủ không yên, hay nổi mụn, lưỡi đỏ không có rêu lưỡi hoặc rêu lưỡi vàng, nước tiểu vàng… Trong y học cổ truyền có câu “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”. Người có những biểu hiện này không nên ăn cơm rượu vì sẽ càng làm cho cơ thể nóng hơn. Đối với bạn trẻ, ăn cơm rượu thì nổi mụn trứng cá nhiều hơn.
Tết Đoan Ngọ mọi người thường ăn cơm rượu để không cho những ký sinh trùng trong người phát triển. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
“Về mặt khoa học, nhiều nghiên cứu về cơm rượu đã ghi nhận là có tác dụng giảm mỡ máu xấu, cải thiện chức năng tim mạch, huyết áp…”, bác sĩ Thắng chia sẻ. Điểm này cũng tương đồng với lời khuyên của bác sĩ tim mạch cho phép sử dụng rượu vang với mức độ một ly mỗi ngày giúp cải thiện vấn đề tim mạch.
Bác sĩ Thắng cho biết, ngoài việc sử dụng cơm rượu, theo y học cổ truyền mọi người đi hái thuốc vào ngày này với quan niệm ngày cực dương nên cây thuốc phát triển mạnh và có nhiều tác dụng nhất. Ví dụ lá dâu hái vào ngày Tết Đoan Ngọ để sử dụng thì sẽ giảm các bệnh về mắt và mắt sáng hơn.