Tại châu Á, công nghệ chuỗi khối trước mắt có thể được ứng dụng trong số hóa danh tính, xây dựng ngân hàng kỹ thuật số, kiểm soát chất lượng…

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của công chúng trong cuộc cách mạng blockchain là cách ứng xử, thái độ khác nhau của mỗi quốc gia trong việc tiếp cận công nghệ này. Trong khi nhiều nước vẫn còn ngần ngại thì một vài quốc gia khác đã nhanh chóng hành động, gia nhập cuộc chơi. Trong bức tranh toàn cầu, châu Á nổi lên là khu vực ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối một cách mạnh mẽ với nhiều tham vọng.

Trả lời phỏng vấn trên TechinAsia, Patrick Dai, CEO của Qtum- startup blockchain đầu tiên tại Singapore được định giá một tỷ USD chia sẻ nhiều suy nghĩ về thị trường blockchain và tiền thuật toán tại châu Á, các chính phủ nên ứng dụng công nghệ này như thế nào cũng như vấn đề quản lý hoạt động ICO.

CEO Patrick Dai (đeo kính, đứng giữa) cùng đội ngũ phát triển startup blockchain đầu tiên tại Singapore được định giá một tỷ USD. 

CEO Patrick Dai (đeo kính, đứng giữa) cùng đội ngũ phát triển startup blockchain đầu tiên tại Singapore được định giá một tỷ USD.

– Giới đầu tư châu Á nhìn nhận như thế nào công nghệ blockchain và tiền thuật toán là cơ hội để cạnh tranh với phương Tây không?

– Các quốc gia châu Á như Nhật Bản đang đón nhận công nghệ blockchain khá tích cực đúng như tinh thần cạnh tranh của họ. Ở một số nước kém phát triển hơn, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những quy định thuận lợi cho ICO (hoạt động gọi vốn bằng tiền thuật toán) và tiền điện tử. Khu vực Đông Nam Á cũng thể hiện các bước tiếp cận cởi mở từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng kỹ thuật số. Đây sẽ là những lợi thế to lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và ngành công nghiệp blockchain vừa chớm nở tại các nước như Singapore.

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ blockchain không chỉ mang ý nghĩa tạo ra các loại tài sản số. Châu Á có thể sử dụng công nghệ này để cải thiện và nâng cao một số điểm yếu trong môi trường kinh doanh của mình như chất lượng sản phẩm hoặc quyền sở hữu trí tuệ. Tính chất như một cuốn sổ cái của công nghệ chuỗi khối sẽ giúp chứng minh sự minh bạch, hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, tập đoàn lớn.

Cuối cùng, ở cấp độ chính phủ, các nước châu Á muốn theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền và chống tham nhũng tốt hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống ngân hàng phương Tây. Trong cuộc chơi này, châu Á đang nổi lên với vai trò một nhà lãnh đạo công nghệ chuỗi khối trong khi châu Âu chậm hơn bởi các vấn đề chi phí pháp lý và quan điểm không chắc chắn. Họ khó thay đổi hiện trạng nhưng vẫn có nhu cầu về số hóa danh tính công dân và kết nối mạng lưới hợp tác trên toàn cầu.

Theo CEO Qtum, châu Á hiện nổi lên với vai trò nhà lãnh đạo công nghệ chuỗi khối. 

Theo CEO Qtum, châu Á hiện nổi lên với vai trò nhà lãnh đạo công nghệ chuỗi khối.

– Công nghệ blockchain và tiền thuật toán đang giải quyết cụ thể những vấn đề gì ở châu Á?

– Một vài những vấn đề chủ yếu tôi thấy công nghệ blockchain và tiền thuật toán có thể giải quyết được ở châu Á là theo dõi chuỗi cung ứng, số hóa danh tính công dân và xây dựng ngân hàng kỹ thuật số. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain có thể giúp châu Á cải thiện thực thi các vấn đề kiểm soát chất lượng và sở hữu trí tuệ.

Việc số hóa danh tính công dân là một trong những vấn đề gây đau đầu cho tất cả các quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng khu vực châu Á. Tại Mỹ, hàng triệu vụ đánh cắp danh tính, thông tin cá nhân và gian lận thẻ tín dụng xảy ra mỗi năm. Công nghệ blockchain có thể giúp giải quyết những vấn đề này trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Ngành công nghiệp tài chính cũng có thể tiến rất nhanh đến việc phi tập trung các dịch vụ bởi bản thân ngành này được kỹ thuật số trong cả thập kỷ qua. Với công nghệ blockchain, chúng ta sẽ có một đơn vị trung gian đáng tin cậy.

Tuy vậy, một nền tảng phi tập trung có thể sẽ phải đối mặt với những trở ngại nhất định tại những nước như Trung Quốc vì công nghệ phần nào đó cho phép công dân dễ dàng vượt qua các hạn chế của chính phủ. Trên thực tế, việc kết hợp giữa một hệ thống tập trung hóa với một số đặc tính tốt nhất của công nghệ blockchain sẽ tạo ra một mô hình hiệu quả hơn và cho phép một quốc gia như Trung Quốc vừa thực hiện kiểm duyệt nội dung mạng trong khi vẫn bảo vệ danh tính công dân, giảm gian lận thương mại.

– Các nhà quản lý cần xem xét điều gì nhất về các hoạt động ICO-gọi vốn bằng tiền thuật toán?

– Điều quan trọng nhất là để ý đến số vốn gọi được là bao nhiêu. Huy động vốn bằng tiền thuật toán là một hình thức mới, không được kiểm soát, không áp đặt các kiểm tra chất lượng đối với công ty đứng đằng sau. Như vậy, các dự án gọi vốn có vẻ dễ dàng hơn trong việc lưu thông token và giá cả để đạt được số tiền đầu tư lớn nhất trong thời gian càng sớm càng tốt.

Vì vậy, chúng ta cần một cách tiếp cận thận trọng. Nhiều ICO tăng vốn quá sớm trong quá trình này, trước cả khi phát hành bản cáo bạch (whitepaper). Đây là hành động vô trách nhiệm. Khi mới bắt đầu, các startup cần lùi lại một bước, đảm bảo họ thực sự cần công nghệ này để hoàn thành mục tiêu và có thể cung cấp sản phẩm thực tế với số tiền hợp lý.

Một ICO phát triển mạnh mẽ và tăng số vốn gọi được, đương nhiên sẽ nắm giữ một thị phần đáng kể trong thị trường tiền thuật toán. Một phần lý do thị trường đi xuống vào đầu năm 2018 là bởi các ICO quyết định bán ra lượng tiền thuật toán gọi vốn được trước đó. Họ biết mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng nào và nhận thấy nếu cứ tiếp tục giữ tiền thuật toán trong thời kỳ suy thoái có nghĩa số vốn sẽ nhanh chóng bay hơi theo đà giảm của thị trường. Các startup thông minh sẽ ngay lập tức “thanh lý” số tài sản Ethereum (ETH) và Bitcoin (BTC) sau các đợt chào bán token để bảo đảm an toàn cho dự án cũng như nhà đầu tư.

Vũ Hoàng

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN