Bất chấp mọi lời can ngăn của anh em, bạn bè, chàng cử nhân Sư Phạm quyết tâm nối nghiệp cha – lên rừng nuôi ong.

Năm 2010, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm I, anh Đỗ Nguyên Đức, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã rời chốn thành đô, mang ước vọng trở thành thầy giáo, gieo con chữ cho các em nhỏ nơi vùng quê nghèo nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau 3 năm giảng dạy, anh Đức nhận thấy cơ hội để phát triển nghề nghiệp không nhiều. Cùng thời điểm đó, anh trăn trở về hướng phát triển kinh tế gia đình – nuôi ong. Sau khi tìm hiểu thị trường, để ý thấy nghề này có nhiều tiềm năng và mang lại lợi nhuận ổn định, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc hiện tại và quyết tâm nối nghiệp cha.

Anh Đỗ Nguyên Đức tâm huyết với nghề nuôi ong.

Anh Đỗ Nguyên Đức tâm huyết với nghề nuôi ong.

Khi biết ý định của anh Đức, nhiều bạn bè, hàng xóm đều xì xào ngờ vực. Ở nông thôn, ít ai tin một cử nhân đại học đã mất 4 năm đèn sách lại quyết định gác bỏ tất cả để lên rừng nuôi ong. Bất chấp mọi lời can ngăn, chàng cử nhân Sư Phạm vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Cha của anh Đức vốn có thâm niên trong nghề, vì vậy ông đã truyền hết mọi kinh nghiệm, tâm huyết của mình cho con trai.

Đang tuổi sức dài vai rộng, lại thêm sự ủng hộ nhiệt tình của cha, anh Đức không ngừng học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi với hy vọng sẽ sớm nhân đôi, nhân ba số ong hiện có của gia đình.

Đàn ong của anh Đức ngày càng nhân rộng.

Đàn ong của anh Đức ngày càng nhân rộng.

Kết quả, sau 5 năm kiên trì, số đàn ong của gia đình anh từ 10 đàn đã tăng lên gấp nhiều lần, mô hình nuôi ong của anh Đức đã nhanh chóng trở thành hướng đi tiêu biểu của thanh niên xã Cự Thắng. Khi quy mô phát triển, anh di chuyển toàn bộ đàn ong lên khu rừng phòng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng lấy mật hoa rừng và thu hút nhiều đàn ong rừng về làm tổ.

Anh Đức chia sẻ, muốn đàn ong phát triển khoẻ mạnh, người nuôi phải am hiểu địa lý và tập tính của loài ong; nắm bắt được mùa nào hoa nở rộ để di chuyển chúng đến nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Bên cạnh đó, thời tiết nắng mưa thất thường cũng là yếu tố quan trọng cần để ý. Trong công việc hàng ngày, chăm sóc đàn ong cũng gồm nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa…

“Kể từ khi nắm được kỹ thuật, tôi quản lý đàn ong dễ dàng, chu kỳ quay mật là 15 ngày một lần. Một tháng tôi thu hoạch hơn 100 lít và luôn đảm bảo đầu ra đền đặn, thu nhập dao động từ 20 – 25 triệu đồng”, anh Đức chia sẻ.

Mỗi tháng, chàng cử nhân Sư Phạm thu về 20-25 triệu đồng.

Mỗi tháng, chàng cử nhân Sư Phạm thu về 20-25 triệu đồng.

Cũng theo anh Đức, để tạo niềm tin và thu hút khách hàng, điều quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm. Vì thế anh chỉ tập trung nuôi ong bản địa và tận dụng nguồn mật hoa tự nhiên ở vùng núi cao, nơi có những cánh rừng bạt ngàn cung cấp nguồn hoa rừng để cho đàn ong thu được loại mật ong đa hoa chất lượng tốt.

Anh Đức chia sẻ, trong năm tới lượng ong của anh sẽ được nhân lên gấp 3 lần và anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để phát triển kinh doanh. Anh Đức hướng tới xây dựng thương hiệu mật ong riêng với mong muốn người dân được tiếp cận với loại mật đảm bảo và chất lượng tốt.

Nguyễn Thuý

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN