Nếu sớm có Luật Thuế Tài sản, theo ông Đặng Hùng Võ, thị trường bất động sản Việt Nam 2011-2013 đã không rơi vào khủng hoảng.
Dưới đây là bài viết của GS. TS Đặng Hùng Võ về Đề cương xây dựng Luật Thuế Tài sản với nhà, đất mà Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến. Ông Đặng Hùng Võ từng là Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, là một trong những người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003, mang lại nhiều điểm mới cho công tác quản lý nguồn tài nguyên này.
Tôi đang ở một ngôi nhà 4 tầng trên diện tích đất 150 m2, giá thị trường khoảng 17 tỷ đồng. Tính ra, tôi chỉ phải nộp một triệu đồng thuế mỗi năm nên chưa bao giờ phải lăn tăn lấy tiền ở đâu để đóng. Và nếu có tiền, tôi mua tích trữ đến 10 ngôi nhà như vậy vẫn không phải để tâm chuyện nộp thuế. Nói cách khác, theo tôi, mức thuế hiện nay hoàn toàn không đáng kể so với tiền thu được từ cho thuê nhà.
Mặc dù còn nhiều việc phải bàn thêm, tôi cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính về dự án Luật Thuế Tài sản là điều bắt buộc phải làm trong bối cảnh nguồn thu ngân sách ngày càng thu hẹp khi tham gia thương mại tự do.
Dự án này chủ yếu đổi mới sắc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có đánh thuế vào nhà ở và các tài sản khác đầu tư trên đất. Nếu sắc thuế tương tự được ban hành từ 2005, thị trường bất động sản nước ta đã không rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn 2011-2013, không phải đi vay ODA để nâng cấp đô thị, ngân sách nhà nước không quá khó khăn và năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ cao hơn.
Ông Đặng Hùng Võ, một trong những người đặt nền móng xây dựng Luật Đất đai năm 2003. |
Tâm lý chung là người dân sẽ không muốn tăng thêm nghĩa vụ tài chính từ sử dụng đất và nhà ở. Các đại gia nhiều nhà đất tất nhiên cũng không muốn nâng cao mức thuế này. Tuy nhiên, hoàn cảnh đất nước hiện nay, không thể để mức thuế quá thấp, tạo nên nhiều bất lợi cho phát triển.
Việc nâng cao mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đánh thuế vào nhà ở là giải pháp duy nhất để tăng nguồn thu hợp lý cho phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng và nâng cấp đô thị. Nó cũng giúp ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ nhà đất; tạo điều kiện giảm giá bất động sản, giảm chi phí về đất đai cho sản xuất hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Chưa kể, theo tôi, việc này cũng điều chỉnh phân bố dân cư trong quá trình đô thị hóa, ngăn dòng người đổ về kiếm sống tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, về phạm vi tính thuế tài sản, đề xuất của Bộ Tài chính cũng lại rơi vào tình trạng tham vọng quá lớn. Một trong những nguyên tắc quan trọng cần bảo đảm là sắc thuế tài sản không kìm hãm đầu tư phát triển, mục tiêu đánh thuế cần đưa ra thật rõ ràng. Chính vì vậy, lúc này cần tập trung vào đổi mới bước tiếp theo đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp để trở thành thuế bất động sản.
Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tỷ suất thuế hiện tại 0,03% được đưa lên mức 0,4% đối với đất ở, từ 0,3% tới 0,52% đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, 1% đối với đất không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và 2% đối với đất lấn chiếm. Việc tỷ suất thuế này nâng lên khoảng 13 lần như vậy theo tôi là phù hợp.
Như ví dụ của chính tôi, hiện chỉ phải nộp một triệu đồng thì có thể sắp tới phải nộp 13 triệu đồng mỗi năm. Tôi cho việc tăng này là hợp lý. Nếu thu nhập không đủ để nộp, buộc tôi phải lựa chọn giải pháp hoặc bán chỗ ở hiện tại chuyển sang ở nơi khác có mức thuế thấp hơn, hoặc cho thuê một phần để đủ tiền nộp thuế. Có thể cũng có người nói rằng, cứ để yên như hiện nay có hơn không, ủng hộ nâng thuế làm cho mình bị thiệt, thậm chí có khi phải bán cả nhà. Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì lấy ai để xây dựng đất nước?
Tỷ suất thuế này là phù hợp với khu vực đô thị, ven đô thị và vùng được quy hoạch thành đô thị. Đối với vùng nông thôn, miền núi có thu nhập còn rất thấp, theo tôi nên giữ nguyên tỷ suất thuế hiện tại. Việc cần bổ sung là mức lũy tiến khi sử dụng đất vượt hạn mức, có thể xác định theo thể thức như hiện hành, sử dụng đất dưới 3 lần hạn mức, tỷ suất thuế tăng 2,5 lần còn vượt quá 3 lần, tỷ suất thuế tăng 5 lần.
Với nhà ở, đề xuất của Bộ Tài chính là chỉ đánh thuế nhà ở với thuế suất 0,4% và xác định ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng, trái với các kinh nghiệm tốt trên thế giới, hệ quả tất yếu là kìm hãm đầu tư về nhà ở. Cần đánh thuế theo diện tích sử dụng trên đầu người. Đây là sắc thuế đánh vào việc sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng để có kinh phí đầu tư nâng cấp.
Nhà chung cư trên 700 triệu có thể phải nộp thuế với thuế suất 0,4% theo Luật Thuế Tài sản đang dự thảo. Ảnh: Bá Đô. |
Theo chiến lược phát triển nhà ở, mức diện tích bình quân đầu người cần đạt được là 25m2. Như vậy, thuế nhà ở nên áp với hạn mức từ 25m2 trên đầu người trở lên, với thuế suất phù hợp với từng khu vực.
Trước hết, sắc thuế này không nên đánh vào khu vực nông thôn và miền núi mà chưa được quy hoạch thành đô thị. Tiếp theo, tỷ suất thuế tính trên diện tích được xác định theo từ đô thị loại 2 trở xuống, theo từng khu vực đối với đô thị loại 1 và đô thị loại đặc biệt, theo khu vực ngoại vi của từng loại đô thị và theo khu vực nông thôn được quy hoạch thành đô thị. Thuế này cũng được đánh lũy tiến theo cách tương tự như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Với các tài sản đầu tư trên đất mà không phải nhà ở, đây là vấn đề rất phức tạp. kể cả đánh theo giá trị hay diện tích đều có tác động kìm hãm đầu tư. Điều mong muốn là sắc thuế phải khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả, khuyến khích hệ số sử dụng đất cao. Theo tôi, sắc thuế này chỉ nên đánh vào các trường hợp dự án “treo”, dự án chậm tiến độ và dự án được thực hiện có hệ số sử dụng đất thấp hơn mức được phê duyệt.
Trên thế giới, thuế sử dụng đất được áp dụng như nghĩa vụ đóng góp tài chính cho quốc gia của mỗi người. Sử dụng nguồn lực đất đai luôn được coi bình đẳng đối với mọi người, là nguồn thu chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, là nguồn thu chính cho ngân sách địa phương, đóng góp cho đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Sắc thuế này đánh trên giá trị đất đai với tỷ suất từ 1% tới 1,5%, có lũy tiến theo diện tích sử dụng.
Các sắc thuế sử dụng đất, thuế nhà ở, thuế tài sản gắn liền với đất là công cụ quan trọng để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ nhà đất; có đất nhưng sử dụng kém hiệu quả hoặc không sử dụng; để điều tiết phân bố dân cư và hạn chế dòng người di cư vào các đô thị lớn (đánh thuế cao vào những khu vực đô thị cần giảm mật độ dân cư).
Nguyên lý cơ bản của thị trường bất động sản là “thuế cao thì giá thấp, thuế thấp thì giá cao”. Khi nâng mức thuế lên cao hơn sẽ tạo hệ quả tất yếu là giá đất giảm đi tương ứng, làm giảm chi phí đầu vào đất đai trong sản xuất hàng hóa, tăng thêm năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đặc biệt tôi nhấn mạnh, ở các nước trên thế giới, các sắc thuế nêu trên chỉ tập trung vào những địa bàn phát triển, không tạo gánh nặng nghĩa vụ tài chính cho nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, phù hợp với nguồn thu nhập của dân cư đối với từng giai đoạn phát triển.
Ý nghĩa của sắc thuế này rất lớn, đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa phải là phương án đầy đủ và toàn diện. Đề xuất này cần nghiên cứu gấp để hoàn thiện như một phương án thuế có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả phát triển và sớm ban hành. Ban hành sớm ngày nào, hay ngày đó.
GS. TS. Đặng Hùng Võ
Theo VNExpress