Chị Kim Thoa trồng 3 vườn rau, làm lúa hữu cơ với mong muốn các con và gia đình được dùng những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Nhìn đứa con thứ hai trong bụng đang lớn lên từng ngày, chị Bùi Thị Kim Thoa (quận Thủ Đức, TP HCM) mỉm cười hạnh phúc, bởi giờ chị không còn phải lo lắng về nguồn thực phẩm sạch nuôi dưỡng con sau này. 3 năm qua, bà mẹ một con đã vất vả xây dựng nên 3 vườn rau ở Bình Dương, Đà Lạt, Đăk Lăk và ruộng lúa tại Đăk Nông.
Cầm tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh trong chương trình liên kết với chính phủ Pháp, chị từng vạch ra giấc mơ làm giàu bằng các sản phẩm có giá trị cao. Nhưng rồi năm 2013, chị sinh con đầu lòng và chợt nhận ra, dù có nhiều tiền nhưng không đảm bảo sức khỏe cho con và các thành viên trong gia đình thì cũng thật vô nghĩa.
Khi bé 7-8 tháng tuổi, chị bế con đến các vườn rau sạch ở nhiều tỉnh thành để tìm nguồn cung cấp cho gia đình. Ông ngoại lái xe, chồng thì cầm theo sữa, tã, cứ thế, tranh thủ cuối tuần cả gia đình lại rong ruổi lên Đà Lạt, Đăk Lăk, Kon Tum rồi lại xuống Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh…
Vốn chẳng có nhiều kiến thức về nghề nông, chị nhờ một người bạn kỹ sư nông nghiệp đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học đi cùng. Hành trình kéo dài 6 tháng nhưng kết quả đưa lại chỉ có sự thất vọng khi không có vườn nào đảm bảo hoàn toàn việc trồng trọt không hóa chất. Rồi chị nghĩ: “Tại sao mình không tự trồng rau sạch?”.
Cuối năm 2015, chị làm mảnh vườn trồng trái cây, củ quả ở Bình Dương, vườn tại Đà Lạt trồng cây ôn đới và vườn ở Đăk Lăk chuyên về rau ăn lá. “Kinh nghiệm nông nghiệp của mình lúc đó bằng 0, chỉ có số tiền tiết kiệm từ hơn 10 năm làm nhân viên tại công ty nước ngoài và máu liều”, chị Thoa nhớ lại.
Mọi chuyện với chị không dễ dàng, khi mạo hiểm xây dựng 3 khu vườn cùng một lúc, với sự tư vấn quy trình của người bạn làm kỹ sư nông nghiệp. Đó là những ngày chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm đất, nguồn giống, thuê nhân công…
Chị Bùi Thị Kim Thoa, sáng lập thương hiệu Vườn của mẹ. Ảnh: NVCC. |
Mảnh đất rộng 2.000m2 ở Bình Dương vốn thuộc về gia đình nhà chồng, trước chỉ để trồng chanh. Chị xin ông bà cải tạo trồng rau và nhận được cái gật đầu. Phun vi sinh vào đất để độ mùn, trồng thử 6 vụ nhưng rau mãi còi cọc, thân mềm oặt, nhiều sâu bệnh. Lúc này chị Thoa mới nhận ra, thổ nhưỡng nơi đây không hợp để trồng rau. Công sức 6 tháng coi như đổ sông đổ bể, nhưng đưa lại cho chị bài học quý giá về việc trồng cây thuận tự nhiên. Chị xoay qua trồng các loại cây như tắc, chuối, bầu bí, khoai môn, khoai lang… và nhận được kết quả khả quan.
Trong quá trình tìm đến nông nghiệp sạch, chị Thoa quen một bạn trẻ sống tại Đà Lạt đam mê trồng rau hữu cơ. Hai chị em lặn lội tìm mảnh đất nằm trong rừng sâu nơi phố núi, rộng 5.000m2. Chị đem đất về TP HCM kiểm nghiệm, nhận kết quả không bị nhiễm hóa chất độc hại mới bắt tay trồng thử rau củ và tin tưởng giao vườn cho bạn mình trông coi, canh tác.
Với mảnh vườn tại Đăk Lăk, chị Thoa cho đó là cái duyên khi gặp gỡ cô chủ vườn cũng cùng chung tấm lòng với rau hữu cơ. Chị thuyết phục cô trồng theo quy trình không dùng hóa chất, cùng lời cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn so với giá rau cô đang trồng và bán. “Muốn người nông dân có thể yên tâm canh tác nông nghiệp sạch thì cần đảm bảo đầu ra cho họ”, chị giải thích. Để thải độc trong đất và tạo độ mùn tự nhiên, chị chấp nhận 6 tháng đầu không thu hoạch rau.
Bà mẹ một con tất bật duy trì cả ba mảnh vườn. Ngày thường đi làm ở công ty, cuối tuần tranh thủ đón xe một mình lên vườn để giám sát quy trình. Mọi sự phát triển của rau hay sâu bệnh đều được báo cáo ngay lại với người bạn kỹ sư để tìm ra hướng giải quyết phù hợp.
Nguồn phân bón cũng được tận dụng tại địa phương, như ở Đăk Lăk sử dụng phân dê từ một trang trại gần đó, Đà Lạt và Bình Dương thì sử dụng phân bò tự ủ.
Khó khăn lớn nhất là định hướng trồng luân canh để hạn chế sâu bệnh, đan xen nhiều loại rau củ khác nhau nên cần xây dựng quy trình chuẩn và giám sát liên tục. Suốt gần một năm rưỡi, nhiều thử nghiệm thất bại, chất lượng chưa đồng đều, có khi rau bị sâu ăn lỗ chỗ, lúc thì rau lên quá nhanh không thu hoạch kịp. “Nếu không có đội ngũ chuyên gia tư vấn và những nhân viên tận tâm, có lẽ mình đã không vượt qua được con đường dài như thế”, chị Thoa nhớ lại.
Cứ mỗi lần thu hoạch xong, nhóm lại ủ đất với vi sinh 3-5 ngày rồi mới tiếp tục trồng để diệt sâu bệnh từ bên trong đất, cây nhờ vậy hấp thu dinh dưỡng tốt, khỏe mạnh mà không cần dùng thuốc kích thích tăng trưởng hay thuốc trừ sâu. “Khi cải tạo được đất là nhà nông làm hữu cơ đã nắm 50% thành công rồi”, bà mẹ tự hào.
Khi các vườn cho năng suất đều đặn, chị Thoa mở cửa hàng rau tại TP HCM, với 80% lượng khách chủ yếu đặt online và giao hàng tận nơi. Lúc này một khó khăn khác lại nảy sinh khi phải vận chuyển rau từ các tỉnh về thành phố, do không biết cách bảo quản nên rau hư hỏng đến hơn 30%. Đau đầu tìm cách xử lý, thử nghiệm nhiều phương pháp để không dùng đến chất bảo quản, cuối cùng nhóm tìm ra ra cách: cứ mỗi lớp rau, trải lên một lớp giấy và đặt đá gel ở trên để giữ độ lạnh vừa phải, giảm thiểu hư hại khoảng 10%.
Năm 2016, chị lại tiếp tục thực hiện một dự định táo bạo: trồng lúa hữu cơ. Chị cười tươi: “Ngoài rau thì gạo là thực phẩm luôn xuất hiện trong bữa ăn của gia đình. Mình suy nghĩ lạc quan: đã trồng được rau sẽ trồng được lúa”. Nhờ người tìm hiểu về thổ nhưỡng, chị liên kết với 5 hộ nông ở huyện Krông Nô, Đăk Nông để thực hiện trồng lúa hữu cơ trên diện tích 5ha, bao tiêu toàn bộ. Lúc đầu nông dân tỏ ra nghi ngờ về năng suất nên chưa đồng ý. Chị cho trồng thử ở diện tích 1.700m2 của một hộ. Thấy quy trình đảm bảo được đầu ra sản phẩm, dần dần cả 5 hộ đều tham gia.
Giờ đây, khi đã xây dựng quy trình chuẩn với hệ sinh thái tự nhiên, nhìn lại chặng đường gian nan đã qua, người mẹ trẻ thừa nhận chưa khi nào cảm thấy mệt mỏi bởi công việc, mà chỉ có nỗi bứt rứt khi đầu tư số tiền 3,5 tỷ đồng của hai vợ chồng để theo đuổi một dự án chỉ vừa thoát lỗ cuối năm 2017. “Buổi tối ở cửa hàng, cuối tuần lại đi thăm vườn nên thời gian mình dành cho con cũng ít hẳn. May có sự chia sẻ từ ông xã, dần dần mình cũng cân bằng lại và chăm sóc con nhiều hơn”, chị Thoa trầm ngâm.
Nhân viên tại cửa hàng sẽ thường xuyên xuống vườn để giám sát và học hỏi, để tin tưởng hơn vào nguồn gốc sản phẩm mình đang bán. Chị cũng liên kết với các vườn tại Hóc Môn, Cần Thơ, Phan Rang, Tiền Giang… bao tiêu toàn bộ rau củ, trái cây đầu ra với điều kiện nông dân phải trồng theo quy trình hữu cơ.
Năm 2017, chị quyết định nghỉ việc ở công ty, tập trung cho hai dự án sắp tới. Đó là phát triển nông nghiệp du lịch, đưa khách trải nghiệm các vườn hữu cơ, để hiểu rõ hơn quy trình trồng cũng như công sức người nông dân với mỗi luống rau. Dự án thứ hai là xây dựng quỹ từ thiện, cùng nhân viên trích 10% lợi nhuận để giúp đỡ các bạn trẻ muốn học nghề nhưng hoàn cảnh khó khăn. “Với những ai đam mê nông nghiệp sạch thì mình sẵn sàng thu mua sản phẩm cũng như chuyển giao quy trình giúp họ”, chị khẳng định.
Hành trình nhiều gian nan, nhưng điều quý giá nhất chị thu lại được là sự thư thái bên bữa cơm sạch và niềm tin tưởng với những cộng sự, nhân viên đi cùng mình. Thương hiệu chị đặt tên là “Vườn của mẹ”, bởi có lẽ, từng bó rau, từng củ quả ở đây đều xuất phát từ tình yêu dành cho con và niềm hy vọng về tương lai, rau không hóa chất sẽ đi vào bữa ăn của mọi nhà.
Nguyên Thanh
Theo VNExpress