Giá thịt nhập ngày càng rẻ khiến các nhà chăn nuôi trong nước phải căng mình chạy đua.
“Thịt bò nhập giảm 35%, giá chỉ từ 139.000 đồng mỗi ký”, hay “Mua bò Mỹ, giá bò Việt” là những lời chào mời khắp các cửa hàng online lẫn offline về kinh doanh thịt nhập.
Không tính các sản phẩm có giá rẻ bất ngờ với vài chục nghìn đồng mỗi kg, được kết luận là thịt thải, thịt hết hạn.., mặt bằng giá của thịt nhập có nguồn gốc rõ ràng vẫn ngày càng giảm.
Tùy loại thịt mà giá bò Mỹ, Australia chỉ dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng mỗi kg. Thịt trâu Ấn Độ cũng có thể mua xấp xỉ ở mức 100.000 đồng một kg. Trong khi đó, thịt gà nhập có giá 60.000 đồng mỗi kg đã thuộc hàng cao
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ hai tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 8,88 triệu USD để nhập thịt bò Mỹ và 6,62 triệu USD nhập thịt bò Australia. Trước đó, cả năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò theo hai xuất xứ này lần lượt là 56,22 triệu USD và 31,49 triệu USD.
Với tốc độ này, nhiều khả năng thịt nhập về nước năm nay sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung nội địa vẫn tốt. Tổng cục Thống kê cho hay, hai tháng qua chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, chăn nuôi gia cầm đạt khá. Riêng chăn nuôi lợn, mặc dù giá thịt lợn hơi trong tháng tăng nhẹ nhưng vẫn không đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi nên quy mô đàn tiếp tục giảm 5,7%.
Thịt dán nhãn tiêu chuẩn chất lượng, thịt nhập dần chiếm khách của thịt thông thường. Ảnh: Giang Huy |
Theo các chuyên gia và nhà chăn nuôi, để chạy đua độ “ăn khách” với thịt ngoại thì chỉ có cách đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm. Trang trại gà của ông Khánh ở Cần Giờ, TP HCM là một ví dụ.
“Mỗi ngày TP HCM tiêu thụ khoảng 90.000 tấn gà. Trong đó, nhu cầu về gà sạch là rất lớn”, ông Thông Thanh Khách – Đại diện công ty Khánh Sơn, một đơn vị nuôi gà VietGap cho biết.
Cũng theo ông Khánh, để theo kịp các sản phẩm nước ngoài, công ty ông đang tính đến việc tự chủ động tiếp cận một số chuẩn như GlobalGap và GMP+.
“Chúng ta đang thiếu một cơ chế hỗ trợ và ưu đãi để doanh nghiệp nội địa có thể thích ứng với những cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Chúng tôi thấy mình vẫn đang phải tự bơi”, ông Khánh nói.
“Thịt ngoại đang vào Việt Nam rất rẻ trong khi doanh nghiệp mình giờ mới đang chập chững làm tiêu chuẩn an toàn thì vừa tốn kém vừa tốn thời gian. Giá thịt trên thị trường ngày càng giảm nên nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng thì khó mà chạy đua theo kịp”, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao bình luận.
Tuy nhiên, cũng có một vài lợi thế có thể “tăng lực” cho cuộc đua với thịt ngoại của thịt nội. Quan trọng là nó cần phát huy được triệt để.
Thức ăn chăn nuôi, thành phần quan trọng của chuỗi sản xuất thực phẩn an toàn, đang dần chuyên nghiệp hóa. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, Việt Nam đang là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á. Ba năm gần đây, sản lượng thức ăn sản xuất tại nhà máy công nghiệp tăng 5,5% trong khi thức ăn thủ công giảm 22% mỗi năm.
Việt Nam đang có 34 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP+ về thức ăn chăn nuôi. Ông Johan Den Hartog – Giám đốc GMP + International cho biết, hiện đã có bộ tiêu chí GMP+ với những tiêu chí phù hợp với đặc thù của Việt Nam, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi hơn.
Trong khi đó, hồi đầu năm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tuyên bố sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa 508 thủ tục hành chính, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục (chiếm 56,5%) nhằm mục tiêu thu hút thêm các dự án đầu tư lớn, chuyên nghiệp vào nông nghiệp.
“Để tiếp tục cải thiện chất lượng và giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi cũng tin rằng cần rà soát các quy định hiện nay và tạo ra một chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản và thực phẩm giá trị cao. Điều này bao gồm hoạt động xây dựng các cơ hội tiếp cận thị trường mới, giảm thiểu kháng sinh và sự phụ thuộc của ngành vào nguyên liệu nhập khẩu”, các chuyên gia của EuroCham khuyến nghị trong Sách trắng 2018.
Viễn Thông
Theo VNExpress