Pin vi sinh, công nghệ biogas xử lý phụ phẩm chế biến rau quả, giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng… được các nhà khoa học trẻ nghiên cứu.
Sáng 23/3, Đoàn trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị các nhà khoa học trẻ toàn quốc lần thứ IV với chủ đề “Khoa học tự nhiên và công nghệ với vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”. Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu với 200 bài báo chuyên sâu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên cả nước.
Có 24 nghiên cứu khoa học được báo cáo tại hội nghị, trong đó có nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như “Công nghệ pin vi sinh và khả năng ứng dụng pin vi sinh hóa dưỡng vô cơ để chế tạo biosensor phát hiện sắt trong nước” của TS Phạm Thế Hải (Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội).
TS Phạm Thế Hải nói về nghiên cứu nhằm chế tạo biosensor phát hiện sắt trong nước. Ảnh: Dương Tâm |
Pin nhiên liệu vi sinh vật hay pin vi sinh là thiết bị sinh điện hóa trong đó vi sinh vật đóng vai trò như tác nhân xúc tác cho quá trình khử điện cực và qua đó chuyển hóa hóa năng thành điện năng. Do đó, pin vi sinh có tiềm năng ứng dụng trong xử lý phế thải và tái tạo năng lượng, sản xuất nhiên liệu sinh học và quan trắc môi trường. Các bisensor hoạt động dựa trên nguyên lý pin vi sinh đang ngày càng nhận được nhiều quan tâm nhờ các đặc tính độc đáo của chúng.
Ông Hải và cộng sự đã phát triển pin vi sinh hóa dưỡng vô cơ (LIO-MFC) thông qua việc làm giàu quần xã vi khuẩn oxi hóa sắt trong anode. Nghiên cứu cho thấy loại thiết bị này tiềm năng sử dụng như biosensor phát hiện sắt trong nước.
“Để hiện thực hóa tiềm năng ứng dụng ủa LIO-MFC, cần tối ưu hóa quy trình làm giàu vi sinh vật, cần đạt được khả năng sinh điện ổn định và cải thiện ngưỡng phát hiện của thiết bị”, ông Hải thông tin.
Một đề tài khác được đánh giá mang tính ứng dụng cao là “Chế tạo bề mặt siêu kỵ nước cấu trúc nano ứng dụng trong dẫn sáng lỏng cho các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng” của TS Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và năng lượng, Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội).
Báo cáo tại hội nghị, TS Thuật trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu trong việc ứng dụng chế tạo các ống dẫn sáng lỏng trong dẫn sáng. Đây là một trong những giải pháp được đưa ra nhằm tiết kiệm năng lượng, góp phần vào mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất, cụ thể là tăng khoảng 2 độ, vào năm 2050.
Ông Thuật cho biết những kết quả ban đầu sẽ được nhóm nghiên cứu ứng dụng để chế tạo các kênh dẫn sáng lỏng, chế tạo bộ hội tụ và dẫn sáng lỏng có chi phí chế tạo thấp, tiềm năng ứng dụng cao trong các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.
Ngoài hai đề tài trên, một số nghiên cứu chuyên sâu về “công nghệ Biogas trong xử lý phụ phẩm chế biến rau quả và thu hồi năng lượng tái tạo ở Việt Nam” hay “kết hợp sàng lọc silico một số hợp chất tự nhiên với các phương pháp thực nghiệm sinh học để phát triển các dược phẩm tiềm năng” cũng được gửi tới hội nghị. Đây là những bài báo chất lượng từng được đăng tải trên các tạp chí uy tín thuộc lĩnh vực Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái Đất.
Phó cục trưởng Biến đổi khí hậu Trương Đức Trí thông tin những hướng nghiên cứu cần được ưu tiên. Ảnh: Dương Tâm |
Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin hiện đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các nghiên cứu đó đã được ứng dụng và mang lại những hiệu quả thiết thực. “Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, cần nhiều hơn nữa những nghiên cứu từ các nhà khoa học trẻ”, ông Trí nói.
Ông Trí gợi ý bốn nhóm ưu tiên mà các nhà khoa học trẻ có thể tham khảo. Thứ nhất là nghiên cứu về giải pháp thay thế các loại cây trồng tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với độ mặn cao. Thứ hai là giải pháp chống hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thứ ba là nghiên cứu phát triển các chất có khả năng hấp thu khí nhà kính. Cuối cùng là các dạng năng lượng mới, xăng sinh học, nhiên liệu sạch, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.