Mạnh dạn tham gia mô hình thực nghiệm vải chín sớm, anh Cường (Bắc Giang) đã có một mùa vải bội thu.

Không thua kém vải chính vụ, vườn vải chín sớm của anh Ngô Văn Cường (xã Phúc Hòa, Tân Yên, Bắc Giang) được nhiều thương lái tìm đến mua bởi quả to đều đẹp, không bị sâu cuống và ăn ngọt. Một số hộ dân khác ở huyện Tân Yên lựa chọn thí điểm mô hình vải chín sớm đều có mùa vải bội thu, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang” do Viện Địa lý (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) thực hiện từ năm 2016.

Các nhà khoa học thường xuyên đến vườn vải cùng người nông dân chăm sóc, hướng dẫn chi tiết các quy trình bón phân và nhắc nhở người trồng cần ghi chép cụ thể và nếu có sự thay đổi phải báo cáo ngay.

Nông dân ở Bắc Giang vui mừng vì thắng vụ vải chín sớm. Ảnh: Dương Tâm.

Nông dân ở Bắc Giang vui mừng vì thắng vụ vải chín sớm. Ảnh: Dương Tâm.

Sau thời gian triển khai, mô hình thực nghiệm vải chín sớm Phúc Hòa cho hơn 2.300 hoa/chùm, số quả trung bình đạt hơn 7 quả/chùm, tăng so với các hộ dân không thực hiện mô hình 31,8%.

Quả vải to, đỏ hơn, ăn ngọt và không bị sâu cuống. Năng suất tăng 15-20%, sản lượng khoảng 15-17 tấn/ha. Mùa vải năm 2016 giá bán tại vườn của những hộ tham gia đề tài là 30.000-32.000 đồng/kg, cao hơn các hộ gia đình không áp dụng đề tài 5.000-700.000 đồng/kg.

Không chỉ vải, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đang được phát triển mạnh và cho năng suất vượt trội. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Hướng tới nền nông nghiệp 4.0

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ ngành triển khai nhiều chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công nghệ nuôi cấy tế bào được ứng dụng rộng rãi để cung cấp cây giống sạch, giá thành rẻ. Công nghệ gen ứng dụng trong nghiên cứu cải tiến giống cây trồng vật nuôi có năng suất chất lượng tốt, khả năng chống chịu cao với sâu bệnh hại, điều kiện môi trường bất lợi.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham quan gian hàng nông nghiệp. Ảnh: Duy Tân.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng tham quan gian hàng nông nghiệp. Ảnh: Duy Tân.

Công nghệ vi sinh đã và đang triển khai sản xuất trên quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh phục vụ trồng trọt và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đã tạo ra được các loại văcxin thế hệ mới, kit chẩn đoán dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn tự nhiên phục vụ sản xuất giống thủy sản và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bộ Nông nghiệp đang tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực thủy sản đến năm 2020 để làm chủ công nghệ sản xuất. Công nghệ tự động hóa, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp kết hợp công nghệ thông tin đã được ứng dụng tại các mô hình canh tác rau, củ, quả, hoa có giá trị kinh tế cao.

Thời gian tới, Bộ Khoa học sẽ tiếp tục cùng các bộ ngành hoàn thiện chính sách ưu đãi cho hoạt động công nghệ cao; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện chính sách ưu đãi trong gói 100.000 tỷ đồng. Bộ sẽ đề xuất với các bộ, ngành, địa phương tập trung đầu tư các khu công nghệ cao từ nguồn vốn trung ương để hoàn thiện giai đoạn xây dựng.

Duy Tân

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN