Từ khi là một thợ ảnh, tỷ phú họ Lý nuôi giấc mơ ôtô và thành lập Geely, ông dự đoán các hãng lớn trên thế giới sẽ sụp đổ.

Hai thập kỷ trước, các kỹ sư tại một hãng môtô Trung Quốc ít tên tuổi là Geely được yêu cầu bắt đầu chế tạo ôtô bằng cách tháo rời hai chiếc Mercedes của ông chủ Lý Thư Phúc. Họ không thể lắp mẫu xe sang trở lại như cũ, nhưng hình dung được cách làm ra chiếc ôtô đầu tiên của hãng, Geely No. 1 1996, theo Wall Street Journal.

Lý Thư Phúc (bên trái) và Hakan Samuelsson, giám đốc điều hành của Volvo Cars. Ảnh: AP.

Lý Thư Phúc (bên trái) và Hakan Samuelsson, giám đốc điều hành của Volvo Cars. Ảnh: AP.

Geely – từ số 0 tới hãng xe lớn nhất Trung Quốc

Nghiên cứu Mercedes một lần nữa trở thành trọng tâm trong chiến lược của Geely. Này 24/2, Lý Thư Phúc thông báo việc ông sở hữu 9,7% cổ phần của hãng mẹ Mercedes – tập đoàn Daimler – thông qua khoản đầu tư khoảng 9 tỷ USD. Tỷ phú Trung Quốc trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng Đức.

Bước đi này giúp tập đoàn có trụ sở ở Hàng Châu đến gần hơn với danh hiệu “hãng ôtô toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc”. Thực tế, các hãng Trung Quốc ngày càng sản xuất nhiều ôtô hơn, nhưng chưa có công ty nào làm ra sản phẩm đủ trình độ trạnh canh ở tầm quốc tế. Geely, nhờ những dấu ấn toàn cầu đang ngày càng mở rộng và khả năng sở hữu công nghệ của nước ngoài, có thể là cái tên đầu tiên được được lưu danh.

“Cách đây 3 năm, không ai nghĩ rằng đó có thể là Geely”, Hakan Samuelsson, Giám đốc điều hành của Volvo Cars – hãng được Geely mua về năm 2010, phát biểu. “Nhưng giờ, đó là dự đoán đúng”.

Lý Thư Phúc từng tiên đoán về thành công của chính mình vào năm 2001, khi ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình quốc gia Trung Quốc, rằng “các hãng ôtô Mỹ như GM và Ford rồi sẽ sụp đổ” trong khi Geely và những tân binh khác trỗi dậy.

Trong suốt một thời gian dài, đó dường như là một lời hứa sáo rỗng. Doanh số của Geely chỉ nhàng nhàng tại thị trường Trung Quốc cho tới rất gần đây, khi một năm bán được 500.000 xe. Trước đó, nỗ lực đầu tiên để quảng bá công ty trên thị trường thế giới là ở triển lãm ôtô Detroit 2006 nhưng gặp cảnh bẽ bàng khi bị tạp chí Car and Driver chê là những chiếc xe “lỗi thời đầy vô vọng”.

Geely bắt đầu đặt nền móng cho sự thành công trong tương lai với việc mua lại Volvo từ Ford vào năm 2010 – bước đi giúp đưa công ty này lên đẳng cấp mới nhờ việc tiếp cận trực tiếp với công nghệ ôtô tiên tiến, như nhận xét của Michael Dunne, một cố vấn chuyên ngành ở Hong Kong.

Năm 2017 là một dấu mốc quan trọng. Doanh số của Geely Auto tăng gần gấp đôi và đạt con số 1,25 triệu xe, biến họ thành thương hiệu nội địa bán chạy nhất Trung Quốc. Với những thương vụ mới cùng các thương hiệu mới, danh mục của Geely giờ đây gồm từ dòng xe tải cho tới siêu xe – tầm vóc mà không một hãng đồng hương nào so được.

Ngoài các thương hiệu con như Proton (Malaysia) và Lotus (Anh), trong 2017, Geely và Volvo song hành đưa ra hai thương hiệu mới: Lynk & Co và Polestar. Lynk sẽ bán ra từ cuối mùa thu năm nay, nhắm tới đối tượng chính là giới trẻ thành phố với những ứng dụng internet di động tích hợp trên xe. Polestar là hãng ôtô điện cao cấp với mục tiêu cạnh tranh với Tesla và dự kiến bán ra trong 2019. Geely còn đầu tư vào Terrafugia, một doanh nghiệp startup chuyên phát triển ôtô bay với trụ sở ở Woburn, Massachusetts (Mỹ).

Lynk 03 concept - một trong số những sản phẩm của thương hiệu con Lynk & Co thuộc sở hữu của Geely. Ảnh: Motorauthority.

Lynk 03 concept – một trong số những sản phẩm của thương hiệu con Lynk & Co thuộc sở hữu của Geely. Ảnh: Motorauthority.

Doanh số của tập đoàn Geely, ở mức gần 2 triệu xe trong 2017, vẫn thua xa so với những “gã khổng lồ” trong ngành như Volkswagen, Toyota và GM, với khoảng 10 triệu xe mỗi năm. Ngoài ra, dù chất lượng được nâng cấp, ôtô Trung Quốc vẫn bị hoài nghi – thậm chí ở ngay quê nhà, nơi có những nhà sản xuất địa phương vẫn tồn tại nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ. Còn các thương hiệu nước ngoài cùng liên doanh vẫn bán chạy các sản phẩm mang thương hiệu nội địa.

Lý Thư Phúc – con đường dựng nghiệp

Đứng đầu Geely là Lý Thư Phúc, 54 tuổi, cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối công ty, từng là người đàn ông giàu thứ 10 của Trung Quốc, theo danh sách của hãng nghiên cứu tài sản Hurun Report, với tài sản trị giá 17,4 tỷ USD.

Là con nhà nông, Lý Thư Phúc từng làm thợ chụp ảnh ở một trường trung học tại quê nhà trước khi nhận ra có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách chiết xuất bạc từ hóa chất làm ảnh hơn là chỉ bán ảnh, theo thông tin từ tiểu sử chính của ông. Vào những năm 1980, Lý Thư Phúc lập nên một hãng sản xuất tủ lạnh và sau đó bắt đầu gây dựng Geely, đơn vị vốn sản xuất nhôm tấm trước khi chuyển sang xe máy.

Ở Trung Quốc khi đó, các nhà sản xuất ôtô tư nhân không được cho phép, nhưng Lý Thư Phúc trung thành với ước mơ làm ra những chiếc xe hơi thậm chí sau khi chính phủ yêu cầu ông dừng việc sản xuất Geely No. 1 – một chiếc Mercedes nhái. Từ chối trả lời phỏng vấn, người đàn ông này sau đó viết về cuộc viễn chinh đơn độc của mình ở một trong số rất nhiều bài thơ tự sáng tác.

Sau khi tìm mọi cách lách luật – gồm cả việc sản xuất ôtô tại một xưởng máy của nhà tù thông qua một công ty có tên Geely Boeing Auto – Lý Thư Phúc cuối cùng cũng nhận được sự cho phép sản xuất ôtô vào năm 2001, trở thành hãng ôtô tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc. Geely bắt đầu gầy dựng tên tuổi tại quê nhà bằng những mẫu xe giá rẻ, nhưng chuyến đi tai tiếng tới Detroit năm 2006 giúp Lý Thư Phúc nhận ra rằng công ty của ông cần tập trung vào chất lượng cũng như chi phí. Kế hoạch đặt ra: Phải cải tiến.

Lý Thư Phúc bắt tay thủ tướng Malaysia sau khi Geely mua cổ phần của hãng Proton. Ảnh: Bloomberg.

Lý Thư Phúc bắt tay Thủ tướng Malaysia sau khi Geely mua số cổ phần lớn của hãng Proton. Ảnh: Bloomberg.

Lý Thư Phúc quay lại Detroit vào kỳ triển lãm năm sau đó, không hề nhụt chí, bước lên gặp gỡ các giám đốc người Mỹ tại gian trưng bày của Ford: “Tôi là Lý Thư Phúc đến từ Geely, một hãng xe Trung Quốc. Tôi rất quan tâm tới việc mua Volvo”. Câu chuyện trên được Phó chủ tịch Geely, Victor Yang, kể lại.

Người ở Ford không hề biết Lý Thư Phúc là ai. Và người đàn ông Trung Quốc được đáp lại một cách nhã nhặn, rằng họ không bán Volvo.

Rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và Ford, trong cơn tuyệt vọng khi gom tiền mặt, sực nhớ tới doanh nhân người Trung Quốc. Lý Thư Phúc được mời tới và trở thành ông chủ mới của Volvo. Mức giá – 1,8 tỷ USD – chỉ bằng một phần của khoản tiền mà Ford từng phải trả khi mua Volvo – 6,45 tỷ USD.

18 năm sau, Lý Thư Phúc lại trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất ở Daimler – một thương hiệu lâu đời khác của châu Âu. Trong một thông báo, vị tỷ phú nói rằng, khoản đầu tư của ông vào tập đoàn Đức là nhằm củng cố “những người bạn, đồng nghiệp và liên minh” mới, giúp đối phó với thách thức từ sự thiếu hụt công nghệ.

Chưa rõ Lý Thư Phúc định làm gì với số cổ phần ở Daimler. Tập đoàn Đức đã có sẵn đối tác ở Trung Quốc – Beijing Auto, một công ty quốc doanh – và sản xuất xe Mercedes với liên doanh này. Một đại diện của Daimler cho biết, hãng không biết mục tiêu của Lý Thư Phúc là gì và tại sao lại đầu tư.

Còn thay mặt cho Geely, vị phó chủ tịch nói rằng họ tập trung vào việc tăng doanh số lên mức 3 triệu xe mỗi năm cho tới 2020 – con số có thể giúp Geely lọt vào danh sách 10 hãng xe lớn nhất thế giới. Đó có thể là một quá trình diễn ra rất nhanh, Yang bày tỏ sự tự tin, đối với một hãng vốn sản xuất tủ lạnh đã “khởi nghiệp từ tay không – không tiền bạc, không năng lực, không công nghệ và lạ lẫm trên thị trường”.

Nhớ lại những ngày đầu, chiếc Mercedes của Lý Thư Phúc bị tháo rời chỉ còn bộ khung và thân xe được làm lại bằng sợi thủy tinh. Khi đó, giấc mơ của người đàn ông này được cho là tạo ra những chiếc Mercedes Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó cũng vì những lý do về an toàn. Còn giờ đây, với quyền sở hữu một trong những xe nổi tiếng nhất thế giới về độ an toàn, lại nắm giữ số cổ phần đáng kể ở một trong những thương hiệu danh tiếng nhất châu Âu và thế giới, Lý Thư Phúc và Geely có thể tạo ra những thay đổi tác động tới cả ngành công nghiệp ôtô.

Mỹ Anh

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN