Chương trình diễn ra vào ngày 7/3 tới với nhiều màn trình diễn mới lạ chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ.
Ông Nguyễn Thùy Dương – nhà sản xuất âm nhạc quốc tế, Chủ tịch IB Group Việt nam – đơn vị sản xuất chuỗi Legend concert và liveshow “Modern Talking with Thomas Anders” có những chia sẻ về chương trình.
– Vì sao tour diễn của “Modern Talking với Thomas Anders” tiếp tục trở lại Việt Nam, chỉ trong vòng một năm?
– Lý do lớn nhất khiến âm nhạc của “Modern Talking với Thomas Anders” trở lại chính là khán giả Việt Nam. Thông thường khoảng cách thời gian của các nghệ sĩ quốc tế ở mỗi điểm diễn thường là ba đến bốn năm. Tuy nhiên, trong lần biểu diễn đầu tiên cách đây hơn một năm, Thomas Anders cùng êkíp đã quá bất ngờ trước sự nồng nhiệt của khán giả Việt Nam. Lần trước, họ diễn hai đêm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người hâm mộ. Nhiều fan liên tục lên Fanpage của chương trình bày tỏ nguyện vọng được gặp lại Thomas Anders.
Ông Nguyễn Thùy Dương, nhà sản xuất âm nhạc Quốc tế, Chủ tịch IB Group Việt nam – đơn vị sản xuất chuỗi Legend concert và liveshow “Modern Talking with Thomas Anders ngày 7/3 tại Hà Nội. |
Bên cạnh đó, không chỉ Modern Talking mà cả các nghệ sĩ từng đến đây biểu diễn như Boney M, Kenny G. hay Chris Norman đều khẳng định rằng khi diễn ở Việt Nam, họ như được sống lại bầu không khí ở thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp. Cả Thomas Anders, Liz Mitchell hay Sandra vẫn đi lưu diễn đều đặn trước những sân khấu 4.000 hay 5.000 khán giả nhưng là diễn chung với nhiều nghệ sĩ khác chứ không phải một liveshow riêng như ở Việt Nam. Là một người sản xuất , tôi nhận thấy tháng ba là thời điểm thích hợp để đưa Modern Talking trở lại với khán giả Việt Nam bởi đây là dịp đặt biệt dành tặng cho phái đẹp 8/3, khán giả sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc thưởng thức nghệ thuật.
– So với liveshow cách đây hơn một năm, sự trở lại lần này của Thomas Anders và ban nhạc có gì khác biệt?
– Tôi quan niệm là mỗi đêm nhạc luôn cần có cái mới nhưng không bao giờ nên ồ ạt cùng một lúc. Đặc biệt là ở Việt Nam, nhiều khán giả tìm đến những nghệ sĩ huyền thoại một thời là để tìm về ký ức, hoài niệm. Chính vì vậy, nhiều người sẽ thích nghe các bài hát quen thuộc hơn. Là người hiểu khán giả của mình , phía IB Group yêu cầu khi Thomas Anders và ban nhạc trở lại lần này là họ sẽ hát 80% các ca khúc của Modern Talking, 20% còn lại sẽ là những nhạc phẩm mới mà Thomas muốn giới thiệu tới khán giả. Biên tập chương trình cũng sẽ khác so với lần trước. Phần mở đầu sẽ tạo sự bất ngờ, hần giữa sẽ tương tác, mang không khí sâu lắng và phần kết sẽ bùng nổ cao trào.
Thomas Anders trong đêm nhạc “Modern Talking ft Thomas Anders & Band” năm 2016. |
– “Legend Concert” với sự góp mặt của nhiều huyền thoại âm nhạc thế giới đã trở thành một chuỗi chương trình quen thuộc và được nhiều khán giả Việt Nam yêu mến. Anh ấp ủ thực hiện series này từ khi nào?
– Tôi tham gia vào sản xuất âm nhạc từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bắt đầu từ những chương trình âm nhạc Việt Nam, đến những ban nhạc Pop, Rock của Nhật Bản, Thụy Điển, Anh và Mỹ. Chúng tôi cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong dòng nhạc EDM tổ chức lễ hội đếm ngược chào năm mới (countdown) đầu tiên tổ chức ở Việt Nam vào đầu thập niên 2000. Sau một thời gian sản xuất âm nhạc, vào những năm đầu của năm 2000, tôi nhận thấy thị trường Việt Nam rất mới mẻ đối với các nghệ sĩ quốc tế, giống như “vùng đất” chưa được khai phá.
Nhu cầu của khán giả tương đối lớn nhưng chưa được đáp ứng. Ai có điều kiện thì đi các nơi lân cận như Singapore, Thái Lan để xem show quốc tế nhưng số lượng người “chịu chơi” như vậy chưa nhiều. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi đời sống thưởng thức âm nhạc của người Việt. Với góc nhìn của người sản xuất, tôi thấy việc đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam là cơ hội đầu tư, tạo ra một sự bứt phá cho thị trường giải trí trong nước. Các ca sĩ nước ngoài cũng sẽ có thêm thị trường mới. Khi Legend Concert ra đời, những nghệ sĩ diễn trong chương trình này đều quá bất ngờ trước sự đón nhận và cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam.
– Anh lựa chọn đối tượng khán giả thế nào khi bắt đầu thực hiện chuỗi dự án âm nhạc này?
– Tên tuổi của các nghệ sĩ là yếu tố cần chứ chưa đủ, việc nghiên cứu thị hiếu, văn hóa của người nghe nhạc tại Việt Nam và đặc biệt là mức thu nhập dẫn đến khả năng chi trả của khán giả cũng rất cần được quan tâm. Trước khi làm đêm nhạc đầu tiên là liveshow Kenny G thì chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát rất nhiều và hướng tới khán giả từ 30 tới 55 tuổi. Đó là lứa tuổi có sự nghiệp, cách nhìn về cuộc sống, có chiều sâu và đặc biệt là khả năng chi trả. Sau thành công của Kenny G, chúng tôi tiếp tục tổ chức Boney M, Smokie và Modern Talking và được khán giả lứa tuổi này đón nhận rất nồng nhiệt.
– Quy trình làm việc với các nghệ sĩ quốc tế ra sao?
– Bất kể nghệ sĩ nào thành công ở quốc tế thì đều phải thông qua thị trường của Mỹ, bằng việc phát hành đĩa, tổ chức những tour diễn ở thị trường này. IB Group Việt Nam là đối tác của Hiệp hội thu âm Mỹ tại Việt Nam nên chúng tôi đã có một thương hiệu nhất định đối với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc.
Khi các nghệ sĩ quốc tế đi tour, họ sẽ liên hệ hợp tác với những nhà sản xuất uy tín nằm trong hệ thống sản xuất show quốc tế trong khu vực cũng như thế giới. Một công ty hoặc nhà sản xuất đã có uy tín, tạo dựng được sự tin tưởng thì trước khi bước vào vòng đàm phán, đại diện của nghệ sĩ sẽ yêu cầu phía nhà sản xuất bản địa phải tự trả giá cho nghệ sĩ biểu diễn và đặt cọc ngay 15% trên tổng giá trị để bước tiếp vào phần thỏa thuận về chi phí, trang thiết bị kỹ thuật, hậu cần… Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận, họ sẽ trả lại số tiền đó và nhà sản xuất phải chi trả một khoản phí cho đàm phán. Khi thương thảo được thì số tiền này sẽ trừ vào cát-xê.
Ký xong hợp đồng, phía sản xuất phải chuyển tiếp 60% ngay sau khi ký hợp đồng và trước ngày diễn tối thiểu một tháng thì 100% cát-xê phải được chuyển cho nghệ sĩ. Đây là yếu tố kiên quyết và bắt buộc khi làm việc với các nghệ sĩ quốc tế. Nghệ sĩ có quyền đơn phương hủy show diễn khi nhà sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu từ họ như đã cam kết trong hợp đồng.
Kenny G nhận quà tặng từ ban tổ chức trong buổi họp báo trước đêm nhạc năm 2015. |
– Trong năm 2018, anh sẽ đưa những nghệ sĩ quốc tế nào về Việt Nam?
– Chúng tôi đang đàm phán với Celine Dion vì năm nay cô ấy lưu diễn châu Á. Việc thỏa thuận với êkíp của diva nhạc Pop người Canada đã mất gần hai năm vì các điều kiện và yêu cầu tài chính cao hơn các chương trình khác nhiều lần. Ngoài ra, giữa năm có khả năng ca sĩ Michael Bolton cũng sẽ tới Việt Nam.
Cuối cùng vẫn là việc thị trường, khán giả có yêu thích hay không, các nhãn hàng có kết hợp được hay không. Chúng tôi tính đến thị hiếu trước, sau mới tới đầu tư. Tôi không chấp nhận rủi ro vì chỉ cần một lần, lần sau sẽ không có khả năng làm nữa. Tôi nghĩ việc đầu tư vào nghệ thuật cũng sẽ tạo công cụ cho các nhãn hàng hưởng lợi. Kết quả kinh doanh quan trọng nhất nhưng làm thương hiệu là yếu tố quyết định cho sự thành bại.
– Sự kết hợp của các thương hiệu đối với chuỗi âm nhạc cũng như doanh thu của các đêm nhạc trong chuỗi “Legend Concert” từ trước đến nay thế nào?
– Âm nhạc chạm tới cảm xúc của con người bởi vậy các thương hiệu, nhãn hàng thông qua âm nhạc đỉnh cao là cầu nối dẫn đến thành công của một thương hiệu giàu cảm xúc. “Legend Concert” là chuỗi âm nhạc thành công về hiệu ứng xã hội cũng như hiệu quả về lợi nhuận. Khi giới thiệu với một số nhãn hàng từ bất động sản, tài chính đến kinh doanh ôtô, đồ gia dụng, tôi đều trình bày phương án tổ chức đêm nhạc quốc tế giống như một phương thức để tiếp cận khách hàng, branding cho thương hiệu, marketing bán sản phẩm hoặc tri ân những khách hàng truyền thống.
Mới đầu, nhiều doanh nghiệp còn hoài nghi cho sự thành công vì đầu tư lớn mà không biết có mang lại hiệu quả về mặt thương hiệu cũng như bán hàng hay không. Chúng tôi tự tin hiểu thị trường, khán giả, điều tiết được nguồn ngoài vốn mình bỏ ra và luôn có trách nhiệm cùng các nhãn hiệu trong sự thành bại của chương trình.
“Legend Concert” đã thành công, thu về lãi suất, các thương hiệu đồng hành được lan tỏa, Uy tín của IB Group được tạo dựng không chỉ đối với nghệ sĩ quốc tế mà còn với nhiều nhãn hàng tại Việt Nam. Tôi muốn tạo dựng một đời sống âm nhạc phong phú cho cộng đồng và để đạt được điều đó thì cần phải hợp tác với các nhãn hàng để đảm bảo sự thành công về mặt tài chính cũng như thương hiệu cho đôi bên.
– Dự định trong tương lai của anh là gì?
– Chúng tôi đã có kế hoạch trong tương lai gần, sẽ nhắm tới các nghệ sĩ phù hợp với các dự án âm nhạc hướng đến giới trẻ vì đó là thị trường rộng, tạo thêm cơ hội cho giới trẻ tiếp cận và thưởng thức âm nhạc đỉnh cao mà mình yêu thích đồng thời cũng là cơ hội để các thương hiệu và nhãn hàng tiếp cận tới nhóm khách hàng mục tiêu. Tôi nghĩ rằng “Legend Concert” thành công bởi nó đã mang đến âm nhạc chất lượng, hướng đúng đối tượng. Các nghệ sĩ tới Việt Nam dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng họ vẫn còn đi lưu diễn, phong cách biểu diễn và giọng hát vẫn rất tốt.. Điều cuối cùng mục tiêu mà tôi muốn hướng đến là mang đến những cảm xúc của âm nhạc đỉnh cao cho những người yêu nhạc Việt Nam.
Thu Ngân
Theo VNExpress