Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Egroup, nhà đầu tư, khách mời của chương trình Shark Tank Việt Nam, từng tuyên bố: “Tôi sẽ nghỉ hưu vào năm 48 tuổi để khởi nghiệp lần thứ hai. Tài sản hiện tại sẽ dành để đầu tư cho các sự án khởi nghiệp”.
Nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là sự “đánh bóng” thương hiệu cá nhân. Song, nếu nhìn rộng ra thế giới, tư duy “khởi nghiệp không có tuổi” đã có từ lâu lắm rồi. Minh chứng dễ thấy: Amazon sau 23 năm vẫn là công ty khởi nghiệp.
Jeff Bezos khai sinh Amazon khi đã 30 tuổi. Chỉ 2 tháng kể từ khi chính thức thành lập ngày 16/7/1995, doanh thu của Amazon đã tới 20.000 USD/tuần. Cuối năm 1995, doanh thu của Amazon là 511.000 USD. Tuy nhiên, Amazon không có lấy một đồng lãi vì mọi nguồn thu đều đổ lại hết vào việc phát triển công ty.
Trải qua những năm tháng đầy mệt mỏi, “kẻ chuyên sưu tập thất bại” Amazon đã trở thành “kẻ thống trị mới của thế giới” khi chiếm hơn 43% các hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới. Cuối tháng 5/2017, cổ phiếu Amazon vượt mốc 1.000 USD (tháng 5/1997 chỉ có 18 USD/cổ phiếu). Business Insider cho hay, giá trị thị trường 356 tỷ USD của Amazon hồi tháng 7/2017 lớn hơn 12 nhà bán lẻ truyền thống Mỹ cộng lại, trong đó có cả Walmart, Best Buy.
Amazon đã tồn tại 23 năm nhưng Jeff Bezos vẫn là “người đặc biệt”, không ngừng tiến về phía trước. Với triết lý “không lãi” như những năm đầu tiên, Amazon không tích lũy tài sản mà bơm tiền vào những lĩnh vực mới, những ý tưởng đột phá.
Theo Reuters và Fortune, trong lĩnh vực nhà thông minh, với Amazon Echo Dot, Amazon đang dẫn trước cả Apple và Google. Amazon sắp ra mắt cửa hàng không nhân viên Amazon Go. Tháng 12/2017, Amazon đã gặp gỡ hai tập đoàn dược phẩm lớn của Mỹ với tham vọng gia nhập thị trường thuốc…
Khởi nghiệp không có tuổi nếu doanh nhân luôn có khát vọng sáng tạo, đột phá, tiên phong.