Tại khu vực miền Nam, tình trạng sản xuất kinh doanh gas trái phép chưa bao giờ hết nóng mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt tăng cường kiểm soát và xử phạt.

Hoành hành từ trung tâm…

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, tình trạng sang chiết trái phép, mài vỏ bình, cắt tai và sơn lại tên hiệu mới từ các loại vỏ bình chiếm dụng của doanh nghiệp khác luôn diễn biến phức tạp, hành vi gian lận ngày càng tinh vi, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử phạt.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) huyện Bình Chánh – Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và công an địa phương đã tổ chức bắt quả tang cơ sở sang chiết gas trái phép tại bãi đất trống, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra đã phát hiện có 14 bàn sang chiết gas đang hoạt động, tang vật là 51 bình gas loại 12 kg dùng để chiết gas sang bình gas mini; 8 bình gas loại 12kg còn nguyên màng chưa sử dụng và nhiều vật dụng dùng để sang chiết gas trái phép.

Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và Công an huyện Bình Chánh bắt quả tang cơ sở sang chiết gas trái phép tại bãi đất trống, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh

Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản thu giữ 1.761 bình gas mini thành phẩm, 2.306 vỏ bình gas mini, 19 cân đồng hồ, 7 xe máy dùng làm phương tiện giao bán hàng. Đại diện Đội QLTT huyện Bình Chánh cho biết, cơ sở sản xuất gas trái phép này sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần, hầu hết đều cũ, gỉ sét được làm mới, rồi sang chiết gas vào để bán cho người tiêu dùng ở Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Thực hiện kế hoạch quản lý kinh doanh gas năm 2017, Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 134 vụ vi phạm với các hành vi vi phạm gồm: kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng giả, chiết nạp gas không phép, sử dụng gas chai mini trái phép, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy… Qua đó đã tạm giữ 403 chai gas các loại; 144 bình gas loại 12kg; 4.314 bình gas mini; 4.362 vỏ bình gas mini và 31 chiếc cân và van bình gas.

Địa phương khác cũng đau đầu

Theo ông Nguyễn Văn Bách – Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, kiểm tra xử lý hoạt động sản xuất kinh doanh gas trái phép là lĩnh vực được Chi cục ưu tiên tăng cường tần suất kiểm tra và xử lý. Năm 2017 đã xử lý được nhiều vụ việc vi phạm nhưng đến nay trên thị trường tình trạng chiếm dụng bình gas của các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp mang về cắt tai, mài vỏ rồi sang chiết gas trái phép, kinh doanh mặt hàng gas không phép vẫn còn phổ biến.

Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, tại tỉnh Bình Dương, vấn nạn này cũng đang hết sức phức tạp. Theo báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương, riêng năm 2017, Chi cục đã kiểm tra 988 vụ, trong đó phát hiện 9 vụ kinh doanh gas trái phép. Trong các vụ kinh doanh gas bị phát hiện, có 1 vụ không kê khai giá, 6 vụ sang chiết gas mini, 1 vụ làm giả nhãn hiệu, 1 vụ mua bán ngoài hợp đồng. Đồng thời tịch thu 132 bình gas loại 45kg/bình, 182 vỏ bình loại 12kg, 10.648 bình gas mini, 39 cân đồng hồ và 35 bàn sang chiết gas.

Trong đợt ra quân tháng 1/2018, tại bãi đậu xe trên đường ĐT 743, khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương và Công an thị xã Dĩ An đã bắt quả tang một chiếc xe bồn chứa gas đang sang chiết gas trái phép. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ 1 xe bồn, 1 xe tải, 61 bình gas, 2 cân điện tử, 1 cân đồng hồ và nhiều dụng cụ dùng để sang chiết gas trái phép.

Ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương – cho biết, các bình gas sau khi được sang chiết, chủ cơ sở dán tem của các hãng khác như Petrovietnam gas, Anpha Petrol, TTA gas, Saigon Petro… và cả tem chống hàng giả. Chủ cơ sở sang chiết gas trái phép là Trần Văn Hải khai nhận đã mua gas từ một số xe bồn, sau đó sang chiết gas cho một số khách hàng để họ tiêu thụ.

Tại Đồng Nai, hoạt động sản xuất, kinh doanh gas trái phép trên địa bàn gần đây tiếp tục gây nhức nhối cho các cơ quan quản lý lẫn người tiêu dùng. Theo báo cáo của Chi cục QLTT Đồng Nai, cuối năm 2017, chi cục đã phát hiện một cơ sở tại ấp Đồng, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa có 3 công nhân đang trực tiếp sang chiết gas từ bồn lớn qua bình gas loại 12kg trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, hóa đơn nguồn gốc hàng hóa, điều kiện sang chiết gas. Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản thu giữ 153 bình gas thành phẩm, 33 vỏ bình gas, 5 vòi bơm, 5 cân điện tử, 1 bồn chứa gas và 1 xe ôtô tải.

Cần quy trách nhiệm cho địa phương

Ông Trần Minh Loan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam – đánh giá, nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh kiểm tra và xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh gas trái phép đã làm cho gas giả trên thị trường có giảm so với trước nhưng vẫn chưa diệt hoàn toàn được vấn nạn gas giả.

Theo ông Loan, gas giả không những gây thiệt hại trực tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, nhất là các đơn vị bị chiếm dụng vỏ bình trái phép, nhà nước thất thu thuế mà còn gây nguy hại cho cộng đồng vì những bình gas tái chế sau khi đã mài mòn vỏ để làm mới không khác gì những quả bom nổ chậm và phát nổ bất cứ lúc nào.

“Để dẹp vấn nạn gas giả trên thị trường, nhà nước nên quy trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương. Địa phương nào để xảy ra tình trạng kinh doanh gas trái phép người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tăng mức xử phạt cũng là giải pháp hữu hiệu để loại gas dởm ra khỏi thị trường hiện nay vì mức xử phạt đối với hành vi sang chiết, buôn bán gas trái phép còn nhẹ, không đủ sức răn đe” – ông Loan đề xuất.

Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng

Theo baocongthuong.com.vn

BÌNH LUẬN