Người lái có thể tránh những tai nạn bất ngờ nhờ công nghệ phát hiện chướng ngại vật trên ôtô.
“Vào số D. Bây giờ hãy nhấn mạnh chân ga và buông ngay sau đó”, tiếng huấn luyện viên thúc giục tài xế khi phía trước chiếc xe là một bức tường chắn ngang. Đình Huy, phóng viên của một tạp chí ôtô ở Việt Nam chần chừ.
“Thử nào!”, Huy thốc ga sát ván nhưng chiếc xe vẫn đứng yên. Những tiếng bíp vang lên cảnh báo người lái như thể hỏi đi hỏi lại, bạn có chắc muốn tiến lên.
Thử nghiệm hệ thống xử lý bướm ga trước va chạm trên xe Subaru. Ảnh: Thành Nhạn. |
Đó là một trong những bài thử về công nghệ an toàn trên xe hơi đáng nhớ Huy kể lại trong chuyến công tác Singapore giữa tháng 1/2018. Chiếc Subaru Impreza có hai camera kép gắn sau kính lái thu thập thông tin, hình ảnh phía trước. Sau khi dữ liệu xử lý qua hệ thống ECU, những thao tác bất thường có thể gây va chạm được cảnh báo ngay từ đầu.
Thực tế, khi xe nhận biết chướng ngại vật phía trước có thể ngắt tạm thời phản ứng từ hệ dẫn động ngay từ đầu. Nhưng sau bốn giây tài xế vẫn mớm ga, phản ứng xe hồi phục và tăng dần đều. Điều này hạn chế những tình huống đạp nhầm ga thay vì phanh, hoặc vào số lùi thay vì tiến dù phía trước là người hoặc vật.
“Tất nhiên nếu bạn vẫn muốn tiến lên, không còn cách nào khác là xe phải tuân mệnh”, Huy nói. Một tài xế nào đó không may nhấn ga bất ngờ trong một vài giây, xe sẽ không chồm lên. Đổi lại, nếu bạn cứ cố giữ chân ga hơn bốn giây thì không có công nghệ nào ngăn cản. Đây cũng là khoảng cách lớn giữa thực tế đạp nhầm chân ga với lý thuyết tránh tăng tốc bất ngờ vì khi đã dí nhầm ga, ít người còn tỉnh táo để nhấc chân.
Chức năng hỗ trợ người lái như tránh đạp nhầm chân ga, hỗ trợ phanh khi phát hiện chướng ngại vật đang dần trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp xe hơi. Nếu Subaru gọi đó là gói công nghệ an toàn EyeSight thì Honda có Sensing, Volvo sở hữu Steer Assist hay TSS của Toyota. Mục đích giống nhau là hỗ trợ và hạn chế tối đa các tình huống va chạm.
Khi xe có dấu hiệu chệch làn mà không bật xi-nhan, những tiếng bíp hoặc đèn nháy sẽ báo hiệu gửi tín hiệu cảnh báo đến tài xế. Camera kép sau kính lái của xe đóng vai trò như đôi mắt thứ hai bên cạnh người lái. Xe đảo làn khi di chuyển ở tốc độ từ 60 km/h trở lên, hoặc khi đang dừng và xe phía trước đã di chuyển nhưng tài xế không có phản ứng, hệ thống đều có âm thanh nhắc nhở.
Công nghệ phát triển giúp việc lái xe an toàn hơn nhưng cũng đặt ra vấn đề về sự ỷ lại và lạm dụng các công cụ hỗ trợ của nhà sản xuất. Kỹ năng lái xe của tài xế vì thế giảm dần theo thời gian. “Không phải nghi ngờ, công nghệ đang khiến tài xế trở nên lười biếng và thiếu tập trung”, Mike Harley, tổng biên tập trang thông tin và tư vấn tiêu dùng về ôtô Kelly Blue Book (Mỹ), nói. “Những công nghệ hỗ trợ người lái thời đại kỹ thuật số khỏa lấp những kỹ năng lái xe cơ bản, làm giảm trách nhiệm của chính họ khi điều khiển ôtô”, theo Bloomberg.
Tiếng nói của nhiều chuyên gia và các tổ chức phi lợi nhuận khiến các hãng xe nhìn nhận lại vấn đề. Họ trang bị những công nghệ hỗ trợ an toàn nhưng luôn khuyến cáo người lái quan sát phía trước. Và không bỏ tay khỏi vô-lăng quá lâu phòng trường hợp xao nhãng khi điều khiển ôtô ở tốc độ cao. Yếu tố an toàn suy cho cùng, quan trọng nhất là yếu tố con người.
Phạm Trung