Các tác phẩm lấy cảm hứng từ chú dế mèn của nhà văn Tô Hoài sẽ được giới thiệu tại triển lãm ngày 20/1 tại Hà Nội.
Triển lãm “Dế mèn phiêu lưu ký – Chạm tới những thế giới” sẽ diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Nhân vật dế mèn gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ sẽ được các họa sĩ nổi tiếng như Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Thành Chương, Tạ Huy Long, Vũ Xuân Hoàn và Đậu Thị Ngọc Vinh (Đậu Đũa) tái hiện sinh động qua những tác phẩm nghệ thuật.
Với ý tưởng thiên về sắp đặt, sáu nghệ sĩ tuổi đời từ 27 đến 91 sẽ khơi dậy nhiều hồi ức và trí tưởng tượng mang dấu ấn thời đại về dế mèn phiêu lưu ký. Không gian 4.000 m2 của VCCA vừa đủ lớn để mô phỏng lại cuộc phiêu lưu thú vị của chàng dế dưới chân những gốc rạ, bờ ao. Khách tham quan cũng sẽ hiểu hơn về mối tương giao giữa văn học và hội họa Việt Nam thông qua tác phẩm kinh điển.
Tác phẩm dế mèn phiêu lưu ký gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x. |
Ngoài các bức họa, triển lãm còn trưng bày mô hình dế mèn khổng lồ dài 15m, cao 4,5m trong tư thế bật nhảy và tung cánh, chiếm phần lớn không gian vòm kính của VCCA. Tác phẩm được các nghệ sĩ trau chuốt từng chiếc gai, vân cánh, sắc thái màu đến bộ giáp huyền thoại của “chàng võ sĩ”.
Cùng với Dế Mèn, các tác phẩm sắp đặt dòng sông chuồn chuồn, đầm lầy gương, châu chấu voi, bọ ngựa, xén tóc… được làm từ nhiều chất liệu khác nhau sẽ tạo nên thế giới đa tầng và kỳ thú không ngờ.
Mô hình dế mèn khổng lồ dài 15m, cao 4,5m trong tư thế bật nhảy. |
Nhân dịp này, nhà xuất bản Kim Đồng cũng trưng bày nhiều kỷ vật liên quan tới nhà văn Tô Hoài và những ấn bản đầu tiên của “Dế mèn phiêu lưu ký” từ kho tư liệu quý. Bộ sưu tập sẽ đánh thức cảm xúc trong tâm thức của nhiều thế hệ 8x, 9x.
Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 20/1 đến 25/3 tại VCCA, B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là triển lãm giáo dục thứ hai của trung tâm, bên cạnh các triển lãm ý niệm nhằm giúp công chúng có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về các nghệ sĩ hội họa Việt Nam.
Các nghệ sĩ khơi dậy nhiều hồi ức và trí tưởng tượng mang dấu ấn thời đại về dế mèn phiêu lưu ký. |
Người sưu tầm và chọn lọc các tác phẩm dự triển lãm lần này chính là họa sĩ Tạ Huy Long. Ông sinh năm 1974, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, là họa sĩ truyện tranh đương đại hàng đầu Việt Nam. Ngoài các triển lãm Ngày xưa tôi là, Tôi vẽ tôi, ông còn mang các tác phẩm đi giới thiệu tại Pháp, tham gia các dự án lớn như: Tủ sách tranh truyện dân gian Việt Nam, Tủ sách tranh truyện lịch sử, mới đây nhất là tập “Lược sử nước Việt” bằng tranh.
Họa sĩ gạo cối nhất tham gia triển lãm là Trương Qua (sinh năm 1927). Ông là nghệ sĩ phim hoạt hình lứa đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim Bài ca trên vách núi của ông từng nhận bằng khen tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Mamaia, Bucharest – Romainia năm 1968.
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân (sinh năm 1934) là cái tên khác ghi dấu ấn với công chúng qua 17 bộ phim, nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tên tuổi của ông được ghi danh trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Nga.
Thành Chương (sinh năm 1949) sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam. Ông bắt đầu vẽ từ năm 6 tuổi, theo đuổi phong cách màu sắc mạnh mẽ và dân gian hiện đại trên chất liệu sơn mài, sơn dầu và bột màu.
Sinh năm 1978, họa sĩ Vũ Xuân Hoàn hiện là biên tập viên tại NXB Kim Đồng. Anh từng đoạt giải ba cuộc thi vẽ tranh về Donkihote (2005); giải nhì cuộc thi “Samsung KidsTime Authors’ Award” tại Singapore.
Trẻ tuổi nhất là họa sĩ minh họa truyện tranh Đậu Thị Ngọc Vinh với sở trường màu nước. Cô sinh năm 1992, được biết đến qua các tác phẩm Trái tim của mẹđạt giải nhất Samsung KidsTime Author’s Award, và Mỗi ngày 15 phút yêu con.
An San