Cha mẹ cần có biện pháp khắc phục nếu trẻ chững cân liền 3 tháng, dù cân nặng dưới chuẩn hay vẫn trong giới hạn bình thường.

Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ thường diễn ra từ từ, đến khi cha mẹ nhận biết được thường đã muộn. Theo tài liệu “Thực trạng và giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam” của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hương (Đại học Y Hà Nội), trẻ 3 tháng liền không tăng cân là một trong những dấu hiệu suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, còn có những biểu hiện khác mà cha mẹ nên lưu ý như: cân nặng giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng 3-6 tháng, kèm theo thay đổi trong sinh hoạt (hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt, cơ thể chậm chạp, chậm phát triển vận động, cơ bắp nhão…).

Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của cơ thể. Đặc biệt là giai đoạn đầu đời, trẻ cần nhiều dưỡng chất để tăng trưởng nhanh chóng về chiều cao lẫn cân nặng, hoàn thiện các chức năng trong cơ thể.

Hệ miễn dịch cũng không đủ khỏe mạnh để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Khi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh mãn tính không lây như huyết áp cao, tiểu đường… Chứng biếng ăn có thể làm tình trạng trầm trọng hơn, khiến bé rơi vào vòng luẩn quẩn bệnh tật.

Về mặt tinh thần, trẻ suy dinh dưỡng còn có xu hướng thay đổi hành vi xã hội như tỏ ra thờ ơ, hay quấy khóc, ảnh hưởng đến khả năng học hỏi và tương lai sau này.

Trẻ 3 tháng liên tục không tăng cân báo hiệu suy dinh dưỡng   - 1

Trẻ suy dinh dưỡng còn có xu hướng thay đổi hành vi xã hội như tỏ ra thờ ơ, hay quấy khóc. Ảnh: Shutterstock

Cách đơn giản nhất là theo dõi diễn biến cân nặng của trẻ đều đặn hàng tháng. Tăng cân đều đặn là dấu hiệu khỏe mạnh, phát triển bình thường. Không tăng cân 3 tháng báo động vấn đề sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt, cần cho bé đi khám bác sĩ để phát hiện đúng nguyên nhân và khắc phục hợp lý.

Để ngăn ngừa và điều trị suy dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài 18-24 tháng; tiêm phòng định kỳ đúng và đủ lịch. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng cân khỏe mạnh. Trẻ nên ăn dặm khi được 6 tháng tuổi, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.

Mẹ cũng nên thường xuyên cập nhật các kiến thức nuôi con tân tiến. Nếu trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng nhẹ, nên bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng năng lượng cao theo chuẩn chế phẩm F100 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến nghị.

An San

vnexpress

BÌNH LUẬN