Yêu cầu từ Nghị định 116 là lý do khiến hai hãng xe Nhật dừng xuất khẩu sang Việt Nam từ đầu năm.
Nhật báo Nikkei của Nhật cho biết hai hãng ôtô hàng đầu nước này là Toyota và Honda đã tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam. Ngày 16/1, Toyota nói đã dừng sản xuất mọi sản phẩm vốn để xuất khẩu sang Việt Nam. Hãng có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, nhưng lượng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia và Nhật chiếm khoảng 20% số xe bán ra trên thị trường, tương đương 1.000 xe mỗi tháng. Những mẫu xe nhập gồm Hilux, Yaris, Fortuner và dòng xe sang Lexus.
Honda CR-V sẽ không có hàng trong vài tháng tới. |
“Thị trường Việt Nam giảm nhẹ trong năm trước rõ ràng do người tiêu dùng hoãn mua xe để chờ tác động từ mức thuế mới”, Chủ tịch Toyota Thái Lan, Michinobu Sugata phát biểu. Thực tế, năm 2017, doanh số toàn ngành của thị trường ôtô Việt giảm 10% so với 2016 dù giá xe liên tục giảm sâu. Xe nhập khẩu tăng 9% trong khi xe lắp ráp giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong số ba mẫu xe bán chạy nhất có Toyota Fortuner cũng là sản phẩm nhập khẩu.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Honda Việt Nam xác nhận phía công ty mẹ đang dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì vướng mắc của Nghị định 116. Hãng sẽ chờ đợi tới khi có Thông tư hướng dẫn từ Bộ Giao thông Vận tải để biết chính xác loại giấy VTA có thể tìm kiếm từ những tổ chức, cơ quan nào ở nước ngoài. “Từ khi có thông tư hướng dẫn tới khi chuẩn bị đủ giấy tờ để nhập khẩu xe phải mất vài tháng”, vị này cho biết.
Trong khi đó Toyota Việt Nam cũng lo ngại một thời gian dài không có xe nhập khẩu để bán. Thị trường Việt đang tăng trưởng tốt trong vài năm qua, nhưng 2017 lại sụt giảm. Thực tế, tỷ lệ lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam là khá nhỏ trong tổng sản lượng của các hãng. Nếu xe từ Thái Lan không xuất sang Việt Nam có thể “chia” cho các thị trường khác trong khu vực.
Tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định về điều kiện kinh doanh ôtô, trong đó có những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả chính hãng. Hai điểm khó khăn nhất là Hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA); và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Điều kiện giấy VTA khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
Ngoài ra, nếu trước đây, một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định, dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Việc này khiến chi phí của hãng tăng lên, đồng thời thời gian “giam xe” cũng lâu hơn trước khi giao cho khách.
Từ khi nghị định được ban hành, chính phủ của những thị trường xuất khẩu xe hơi lớn như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ lo ngại rằng những quy định mới có thể là bất khả thi. Đồng nghĩa các hãng xe không thể bán sản phẩm ở Việt Nam.
Ngoài Toyota và Honda, những liên doanh khác tại Việt Nam cũng cho biết họ không thể nhập xe về bán như Ford, Mitsubishi hay Suzuki. Tuy nhiên, các hãng xe nhập khẩu từ châu Âu như Mercedes, BMW, Porsche lại không mấy lo lắng và cho rằng hoàn toàn có thể cung cấp loại giấy VTA như chính phủ Việt Nam yêu cầu.
Minh Thủy