Doanh số dự kiến tăng 3,6%, nhưng những thỏa thuận thương mại đang diễn ra cùng xu hướng công nghệ mới lại ẩn chứa những rủi ro với toàn ngành.

Doanh số xe toàn cầu tiếp nhận đà tăng trong 2018 nhờ những thị trường đang phát triển nói chung, đặc biệt thị trường Nga đang sôi động trở lại, theo Forbes. Doanh số cũng ghi nhận sự thay đổi đặc biệt, với những dấu hiệu đầu tiên của việc chia rẽ trong ngành khi phải tiếp nhận và xử lý những ý tưởng mới về di động, lái xe tự động và xe điện. Vai trò dẫn đầu cũng dịch chuyển từ Tây sang Đông.

Thị trường Trung Quốc chậm lại, thị trường Nhật lại tăng tốc, trong khi tất cả đều phải trông chừng mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ, Mexico và Canada cùng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Bất cứ vấn đề gì xảy ra đều có thể gây hiệu ứng quả bóng tuyết với cả thị trường thế giới.

Doanh số tăng, nhưng công nghệ mới ẩn chứa những tác động tiêu cực tới toàn ngành. Ảnh: Businessinsider.

Doanh số tăng, nhưng công nghệ mới ẩn chứa những tác động tiêu cực tới toàn ngành. Ảnh: Businessinsider.

Theo BMI Research, doanh số xe toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong 2018, so với mức 3,3% trong 2017. Kỷ lục từng được ghi nhận vào 2016 với 88,1 triệu xe bán ra, tăng 4,8% so với 2015, theo báo cáo từ Macquarie Bank.

“Những thị trường đang phát triển sẽ góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng, trong khi doanh số tại nhiều thị trường phát triển sẽ chậm lại hoặc thậm chí thu hẹp”, một báo cáo của BMI Research cho biết. Sự tăng trưởng của thị trường châu Âu dự kiến hơi giảm đà, trong khi Mỹ tụt dốc nhẹ. Trong 2016, doanh số ở châu Âu đạt khoảng 17 triệu xe và Mỹ là gần 17,6 triệu xe.

Trung tâm nghiên cứu máy móc tự động (CAR) thuộc Đại học Duisberg-Essen (Đức) lại đưa ra con số dự kiến khiêm tốn hơn so với BMW Research. CAR cho rằng doanh số xe toàn cầu tăng 2,2% trong năm nay, và quá trình sẽ suôn sẻ nhờ chính các hãng xe Đức. “Các hãng xe cao cấp của Đức đang phát triển mạnh mẽ hơn so với những nơi khác. Theo ước tính, doanh số toàn cầu của Audi, BMW, Mercedes và Porsche sẽ tăng 4,5% trong 2018, trong khi doanh số xe toàn cầu chỉ tăng 2,2%”, CAR nhận xét.

BMW Research lại lo lắng về sự phân nhánh một khi NAFTA đổ vỡ. “Nguy cơ tụt dốc xuất phát từ những thỏa thuận đang diễn ra của NAFTA – quá trình sẽ kết thúc vào quý I/2018. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, có thể gây hậu quả xấu tới giá xe cùng những điều kiện giao dịch bất lợi cho khách hàng”.

Doanh số xe tại châu Á sẽ tăng 4,7%, giảm nhẹ so với mức 5% của 2017. Châu Á Thái Bình Dương vẫn duy trì vị thế là một trong những khu vực vững vàng nhất trong việc tăng trưởng tích cực. Thị trường xe mới ở Trung Quốc dự kiến giảm tốc trong 2018 khi giá bán của dòng xe nhỏ (động cơ 1,6 lít trở xuống) tăng lên. Ngược lại, doanh số xe tại Nhật tăng tốc với mức dự kiến 6,7%, cũng theo BMI Research. Trong 2016, doanh số ở Trung Quốc là 25,5 triệu xe, và Nhật là 4,9 triệu.

Năm nay, thị trường Nga sẽ tăng trưởng 11%. Trong 2016, doanh số tại quốc gia này là 1,35 triệu xe.

Những thay đổi quan trọng trong toàn ngành không chỉ là việc chuyển từ động cơ đốt trong sang hệ thống điện, từ người lái sang xe tự lái, từ sở hữu sang thành công cụ di chuyển. Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản – bộ ba quyền lực lâu đời – không còn thống trị tất cả, mà châu Á (không tính Nhật Bản), và Đông Âu đang nhanh chóng mở rộng vị thế. 2018 cũng sẽ là năm thay đổi công nghệ và thay đổi thị trường khu vực, năm dịch chuyển sang di động chạy điện – thứ sẽ khiến công nghệ lái của cả thế giới coi Trung Quốc là ngôi nhà trung tâm trong tương lai, Ferdinand Dudenhoeffer, một giáo sư của CAR nhận định.

Mỹ Anh

vnexpress

BÌNH LUẬN