Nhiều người băn khoăn, việc thẩm định các bộ phim trên truyền hình diễn ra như thế nào, quy trình ra sao? Không phải ai cũng biết tường tận điều này, nhất là gần đây một số phim truyền hình đã gây tranh cãi vì có cảnh quay được cho là nhạy cảm hoặc bạo lực.
Đến phụ huynh cũng phải đỏ mặt
Không thể phủ nhận, phim truyền hình hiện nay có nhiều khởi sắc so với thời gian trước. Trong 2 năm 2016, 2017, VTV đã chiếu nhiều phim hợp với thị hiếu của người xem như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai, Tuổi thanh xuân… Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công về mặt hiệu ứng, hình ảnh thì một số bộ phim trên cũng bị nhận xét có những cảnh nóng, cảnh bạo lực chưa phù hợp với trẻ em, nhất là những phim này lại được chiếu trên giờ vàng của VTV.
Một số cảnh trong phim Người phán xử bị chê là bạo lực. |
Trong phim Người phán xử, một số khán giả cho rằng, phim được chiếu vào “giờ gia đình” nhưng lại có nhiều cảnh bạo lực như: Giang hồ bị ông trùm Phan Quân xử chặt ngón tay, cảnh đấu súng ngẹt thở, buôn bán ma tuý… là không phù hợp. Bởi, những phân cảnh bạo lực này sẽ ảnh hưởng không tốt đối với trẻ em. Chắc hẳn, chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện gây sốt cộng đồng mạng về một cậu bé khóc nức nở khi ông trùm Phan Quân bị bắt đi tù.
Trước đó, một cậu bé khác cũng nhận được sự quan tâm của cư dân mạng vì đã buồn rầu khi nhân vật Lương Bổng bị bắn. Phản ứng của 2 cậu bé này đã khiến nhiều người ái ngại, đặc biệt là các phụ huynh.
Phim Thương nhớ ở ai cũng bị cho là có nhiều cảnh nhạy cảm khi nhân vật nữ mặt áo yếm không nội y. |
Hai bộ phim khác của VTV là Sống chung với mẹ chồng và Thương nhớ ở ai cũng phải đón nhận nhiều chỉ trích từ khán giả khi bị cho là quá “nóng” ở một số phân cảnh và không phù hợp với đối tượng khán giả truyền hình. Cụ thể, ở tập 2 của Sống chung với mẹ chồng có cảnh “giường chiếu” của hai nhân vật chính. Phân cảnh này bị đánh giá gây ảnh hưởng không tốt đến khán giả nhí. Phim Thương nhớ ở ai cũng phải đón nhận những chỉ trích từ người xem khi các nữ diễn viên vô tư mặc áo yếm không có nội y.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nhà văn Chu Thơm chia sẻ: “10 năm trước, tôi đã từng ngồi trong Hội đồng duyệt phim của VTV rồi. Đó là một Hội đồng độc lập, gồm nhiều người là đạo diễn, biên kịch… có kinh nghiệm. Chúng tôi xem từng tập, duyệt xem nó có phù hợp với văn hoá Việt Nam không. Bản thân tôi thấy rằng, thời gian gần đây, việc kiểm duyệt phim trên VTV khá dễ dãi, nhiều phim có cảnh nóng, cảnh bạo lực vẫn “lọt” để phát sóng. Tôi cho rằng, việc kiểm duyệt tốt nhất là kiểm soát từ kịch bản phim. Hoặc nếu có chiếu, cần đưa dòng chữ cảnh báo cho trẻ em và phụ huynh”, nhà văn Chu Thơm chia sẻ.
Nhà văn Chu Thơm cho biết, cần đưa dòng chữ cảnh báo cho trẻ em và phụ huynh nếu phim có cảnh nhạy cảm. |
Vừa đá bóng, vừa thổi còi?
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Duy Anh – Cục Phó cục Điện ảnh (bộ VH,TT&DL) chia sẻ với PV: “Cục Điện ảnh không liên quan đến việc kiểm định chất lượng phim truyền hình, người chịu trách nhiệm về các bộ phim ấy chính là Tổng giám đốc các đài truyền hình”.
Việc lãnh đạo các đài truyền hình tự duyệt và thẩm định chất lượng phim, chương trình trên các kênh sóng, nhiều người nghĩ ngay đến việc “vừa đá bóng, vừa thỏi còi” của các đơn vị này.
Hoạ sĩ Phạm Sinh cho hay, nếu các đài truyền hình không làm nghiêm, thì sẽ dẫn đến chuyện “con hát mẹ khen hay” vì tự duyệt kịch bản phim. |
Hoạ sĩ Phạm Sinh cho hay: “Nếu các đài truyền hình không làm nghiêm, thì sẽ dẫn đến chuyện “con hát mẹ khen hay” vì tự duyệt kịch bản phim, chương trình lên sóng. Khán giả sẽ nghi ngờ chuyện “thả lỏng” chất lượng phim truyền hình vì đơn vị sản xuất và thẩm định là “người một nhà”.
Trước đây vài năm, những phim như: Anh chàng vượt thời gian, Những người độc thân vui vẻ… cũng đột ngột dừng chiếu trên VTV do phản hồi về những phim này rất tệ. Thời gian gần đây, chưa có phim nào trên truyền hình bị dừng chiếu nhưng để có những phản hồi tốt thì phim phải chú ý đến thị hiếu của người xem. Vì vậy, tôi cho rằng, việc nghe ngóng khán giả và điều chỉnh chất lượng phim truyền hình là cần thiết. Đừng nghĩ, việc “trao quyền” thẩm định cho lãnh đạo các đài truyền hình là dễ dàng, bởi càng được giao quyền thì việc này càng nhiều áp lực. Nếu không làm nghiêm, việc thẩm định này sẽ chỉ là con số 0, làm mất niềm tin của khán giả, nếu phim chiếu không có rating (lượng khán giả xem) thì đài truyền hình đó thất bại rồi” – hoạ sĩ Phạm Sinh thẳng thắn.
Ông Đỗ Duy Anh – Cục phó cục Điện ảnh (bộ VH,TT&DL) cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện tại, việc dán nhãn phim điện ảnh, phân loại đối tượng xem đã được thực hiện ở phim rạp, nhưng phim truyền hình thì chưa. Theo tôi, việc dán nhãn phim truyền hình sẽ được đưa ra bàn thảo trong thời gian tới để xem như thế nào là tốt nhất và sẽ có những quy định mới”.
Bàn thêm về việc các chương trình trên truyền hình chưa có cảnh báo với trẻ em, nhà văn Chu Thơm chia sẻ: “Không chỉ các phim truyền hình mà nhiều gameshow trên các kênh sóng trên ti-vi hiện nay cũng khiến khán giả “nhăn mặt”. Bởi nhiều chương trình truyền hình thực tế rất… nhảm, có chương trình người mẫu hở hang, uốn éo ở VTV được chiếu ở giờ vàng. Tôi cho rằng, các đài truyền hình cũng nên lắng nghe dư luận để điều chỉnh việc phát sóng của mình”.
“Các đài truyền hình sẽ có trách nhiệm với phim của đài mình phát sóng”
Chia sẻ về việc kiểm duyệt phim trên truyền hình, bà Lan Hương – Phó phòng phim Việt Nam thuộc Đài Truyền hình Việt Nam cho hay: “Tất cả những phim chiếu trên VTV, thuộc trung tâm VFC đều được kiểm duyệt gắt gao, có một Hội đồng thẩm định làm việc này. Hội đồng này do Tổng giám đốc Đài làm Trưởng ban và tôi làm thư ký. Đối với những kịch bản mua bản quyền từ nước ngoài, chúng tôi phải định hướng sao cho phù hợp với văn hoá và thị hiếu người Việt”. Khi được hỏi, việc kiểm duyệt như vậy vì sao vẫn có những cảnh nóng, cảnh bạo lực lên trên sóng VTV? Bà Lan Hương cho hay: “Tôi nghĩ là do quan điểm thôi, lúc duyệt phim Hội đồng thấy cảnh đó phù hợp với tình huống đấy, có thể do khán giả phản ứng quá mạnh thôi. Tất cả các phim đều được chúng tôi thẩm định bởi những người làm nghệ thuật lâu năm, kể cả khâu kịch bản. Các đài truyền hình sẽ có trách nhiệm với phim của đài mình phát sóng. Với những phim xã hội hoá như: Hoa cỏ may, Vực thẳm vô hình… thì việc duyệt phim lâu hơn, vì phim do các đạo diễn không thuộc trung tâm VFC sản xuất… Nói chung là khi phim đã lên sóng, chúng tôi đã kiểm soát và tiết chế đi nhiều, để phù hợp với tất cả khán giả, trong đó có cả khán giả là trẻ em”.
|
Cần cảnh báo phụ huynh và trẻ em trước khi chiếu phim
Nhà văn Chu Thơm cho biết, tại Thông tư 09 Quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hơp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in và xuất bản phẩm ra ngày 23/6/2017 của bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ở điều 16 ghi: Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo. Vì vậy, nếu trên truyền hình có các phim không phù hợp với trẻ em thì cần chủ động có dòng thông báo với khán giả. Theo nhà văn Chu Thơm, việc cảnh báo này cũng chính là việc “dán nhãn” phim. Tuy nhiên, muốn làm được triệt để, cần phải nâng cao sự quản lý từ gia đình và bản thân ý thức của trẻ nhỏ. |