Tiểu hành tinh du hành liên sao đầu tiên được biết tới có thể chứa nước từ một hệ sao khác trong lõi.
‘Oumuamua có thể chứa băng trong lõi. Ảnh: NASA. |
Các nhà nghiên cứu suy đoán nước có thể mắc kẹt bên dưới lớp vỏ dày giàu carbon bao phủ bề mặt tiểu hành tinh ‘Oumuamua, BBC hôm qua đưa tin. Đây là kết quả từ dự án tìm kiếm sự sống trong vũ trụ sử dụng một kính viễn vọng vô tuyến để kiểm tra tín hiệu từ thiên thể dài bất thường.
Được phát hiện hôm 19/10, tốc độ và đường bay của ‘Oumuamua chỉ ra tiểu hành tinh có nguồn gốc bên ngoài hệ Mặt Trời. Vật thể không kéo theo vệt đuôi khí gas và bụi khi đến gần Mặt Trời, càng chứng tỏ nó có chứa băng
Các nhà thiên văn học từ dự án Breakthrough Listen đang xem xét 4 dải tần số vô tuyến khác nhau để tìm tín hiệu có thể đến từ công nghệ ngoài hành tinh trên ‘Oumuamua. Nhưng kết quả sơ bộ không phát hiện tín hiệu nào, củng cố giả thuyết tiểu hành tinh có nguồn gốc tự nhiên. Họ cũng đo cách ‘Oumuamua phản chiếu ánh sáng Mặt Trời và nhận thấy nó rất giống các thiên thể băng từ hệ Mặt Trời được bao phủ bởi lớp vỏ khô.
“Chúng tôi thu được phổ tín hiệu – âm thanh cao ở cả bước sóng quang học và bước sóng hồng ngoại. Những gì chúng tôi biết là phổ này không giống một vật nhân tạo”, giáo sư Alan Fitzsimmons ở Đại học Queen, Belfast, Ireland, một trong các tác giả của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Astronomy, cho biết.
Các phép đo cho thấy hàng triệu năm tiếp xúc với tia vũ trụ đã tạo ra một lớp giàu carbon cách nhiệt ở bên ngoài tiểu hành tinh, có thể tạo thành lá chắn che cho lõi băng bên trong khỏi tiếp xúc với Mặt Trời. Quá trình này khiến cho thiên thể có sắc đỏ, tương tự các vật thể ở rìa ngoài hệ Mặt Trời. “Khi nó ở gần Mặt Trời, nhiệt độ bề mặt có thể ở mức 300 độ C, nhưng cách bề mặt nửa mét, lõi băng có thể vẫn còn nguyên”, giáo sư Fitzsimmons nói.
Kết quả đo trước đây chỉ ra vật thể dài hơn ít nhất 10 lần so với chiều rộng của nó. Tỷ lệ kích thước đó khác hẳn bất kỳ tiểu hành tinh hay sao chổi nào từng được quan sát trong hệ Mặt Trời. Tiểu hành tinh được cho là dài khoảng 400 mét.
“Chúng tôi không biết rõ khối lượng của nó. Nó có thể dễ vỡ và có mật độ tương đối thấp. Điều đó phù hợp với tốc độ xoay tròn của nó, diễn ra 7,5 tiếng/lần. Cấu tạo bằng bột tan là đủ để tiểu hành tinh giữ nguyên hình dạng ở tốc độ như vậy”, giáo sư Fitzsimmons nói.
Nhiều giả thuyết đang được giới nghiên cứu thảo luận nhằm giải thích hình dạng bất thường của ‘Oumuamua, trong đó có khả năng nó bao gồm các vật thể riêng biệt nối liền với nhau, sự va chạm giữa hai thiên thể với lõi nóng chảy phun ra đá và sau đó đông cứng thành hình dạng dài, hoặc đây là mảnh vỡ của một thiên thể lớn hơn bị phá hủy trong vụ nổ siêu tân tinh.
Phương Hoa