Từng stress vì khác biệt văn hóa, ngôn ngữ với cộng đồng Tây Ban Nha, Kha Minh đã đăng ký khóa học tiếng bản địa, tham gia các lễ hội.

Nguyễn Nhã Kha Minh (21 tuổi, TP HCM) từng sang Tây Ban Nha học theo diện trao đổi sinh viên với Đại học UCAM. Từng stress do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa với cộng đồng nơi mình du học, Minh chia sẻ kinh nghiệm vượt qua.

du-hoc-sinh-bat-mi-kinh-nghiem-tranh-tram-cam

Nguyễn Nhã Kha Minh (21 tuổi, TP HCM). Ảnh: NVCC.

Khi đang là sinh viên năm 3 ngành Quan hệ Quốc tế Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP HCM), tôi may mắn được tham gia chương trình trao đổi sinh viên với Đại học UCAM (thành phố Murcia, Tây Ban Nha). Vốn có nhiều bạn bè là du học sinh tại Mỹ, Australia, Đức và từng làm việc ở tổ chức liên quan đến du học, tôi nghĩ mình hiểu khá rõ đời sống du học với những áp lực khi sinh sống tại một vùng đất mới, với những con người hoàn toàn xa lạ có văn hoá khác biệt. Nhưng thực tế khác rất nhiều so với tôi tưởng.

Thành phố Murcia có ít người Việt, tôi cũng không phải là người giỏi xây dựng các mối quan hệ mới nên gặp áp lực và khó khăn lớn để thích ứng môi trường sống mới, với những người dân địa phương hạn chế biết tiếng Anh.

Trước khi sang Tây Ban Nha, tôi được biết không phải người dân châu Âu nào cũng biết nói và nói tốt tiếng Anh. Nhưng tôi nghĩ ít nhất họ cũng giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh được. Khi đặt chân đến thành phố biển Murcia, tôi đã rất bất ngờ bởi hầu hết người dân địa phương mà tôi tiếp xúc đều có vốn tiếng Anh rất hạn chế.

Ông chủ nhà nơi tôi thuê phòng ở cũng là một trong số đó. Tôi đã phải nhờ một du học sinh Việt Nam biết tiếng Tây Ban Nha để phiên dịch cho hai bên. Việc giao tiếp hàng ngày với người dân thành phố khi đi siêu thị, chợ phiên, hay trên tàu điện là gần như bất khả thi. Những người tôi giao tiếp nhiều nhất khi đó là sinh viên sống cùng căn hộ mà tôi thuê phòng.

Trong một môi trường như vậy, tôi lần đầu cảm thấy cô đơn và có một chút không thuộc về nơi mà tôi đang sống. Trong vài tuần đầu tiên ấy, một ngày của tôi chỉ có lên trường và về phòng, bản thân trở nên khép kín, ít giao thiệp, tiếp xúc với người khác hơn hẳn.

Những lúc ấy, tôi thường trò chuyện với bạn bè ở Việt Nam qua Facebook hoặc Skype. Những giao tiếp bằng đôi dòng tin nhắn hay các cuộc gọi video qua màn hình điện thoại và máy tính khi ấy trở nên cần thiết, chân thật hơn bao giờ hết. Tôi mong chờ hàng ngày đến lúc được trò chuyện với những đứa bạn thân, chia sẻ những mẩu chuyện dù chỉ là chuyện thường nhật nhất có thể. Tất cả chỉ để giúp tôi không thấy mình quá tách biệt, quá đơn độc.

Nhưng đó chỉ là giải pháp tức thời, tôi hiểu rằng phải giải quyết vấn đề rào cản ngôn ngữ. Tôi chủ động đăng ký học một khóa tiếng Tây Ban Nha. Việc học ngôn ngữ mới khá dễ dàng vì tôi có nền tảng tiếng Anh vững và khả năng học ngôn ngữ khá tốt. Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu mua đồ ở chợ phiên mỗi tuần bằng thứ tiếng của họ, dù chỉ bằng những câu giao tiếp đơn giản, đó như là một thành công đáng nhớ đối với tôi.

Tôi cũng chủ động hòa nhập vào văn hóa địa phương để được tiếp xúc và cải thiện vốn ngoại ngữ mới học của mình. Khi thành phố Murcia có lễ hội mùa xuân Fiesta de Primavera lớn nhất trong năm, tôi đã rủ một người bạn Argentina đi xem các cuộc diễu hành và thưởng thức món tapas địa phương. Những cuộc trò chuyện với người bạn đã sống 2 năm ở Tây Ban Nha giúp tôi được luyện tập ngôn ngữ và hiểu hơn về văn hóa của xứ sở bò tót. Dần dần, tôi cảm thấy hòa nhập hơn vào cuộc sống ở Murcia.

Qua 3 năm học đại học ngành Quan hệ Quốc tế, tôi được trang bị kiến thức về sự đa dạng văn hóa cũng như tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Ban đầu, tôi nghĩ không quá khó để thích ứng với nền văn hóa Tây Ban Nha, nhưng có những tình huống khác biệt văn hóa khiến tôi không ngờ tới. Lúc ấy, tôi mới nhận ra mình còn thiếu khả năng giải quyết các vấn đề này.

Tôi vẫn nhớ cảm giác ngỡ ngàng khi người bạn Hà Lan sống ở phòng kế bên ngạc nhiên và bình phẩm khi thấy người chị Việt Nam sống cùng căn hộ nấu canh giò heo. “Tôi cảm thấy thật may mắn khi không phải ăn giò heo như các bạn”, câu nói ấy là một ví dụ rõ rệt của khác biệt văn hóa phương Đông và phương Tây, cũng như sự vô tâm của người bạn Hà Lan khi không biết tôn trọng những giá trị văn hóa khác biệt. Đáng lẽ khi ấy tôi nên có phản ứng khác tốt hơn như mời bạn ăn món canh ấy và các món đặc trưng Việt Nam khác cùng lời giải thích về sự khác biệt văn hóa. Nhưng tôi đã chỉ im lặng cười trừ vì quá ngạc nhiên trước câu nói của bạn.

Tôi thấy may mắn vì mình đi trao đổi du học sau khi được tiếp xúc với nhiều bạn bè là du học sinh, nhận thức được sự khác biệt giữa các nền văn hóa nhờ vào ngành học đặc thù. Những điều đó đã giúp tôi “giảm sốc” và nhanh chóng vượt qua áp lực khi sang học tại Tây Ban Nha. Không ít du học sinh khác, từ các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa này đã tích tụ thành bệnh tâm lý như trầm cảm.

Nguyễn Nhã Kha Minh

vnexpress

BÌNH LUẬN