Triển vọng của Việt Nam được đánh giá sáng sủa, nhờ nhiều điều kiện thuận lợi cả trong nước và quốc tế.

Trong báo cáo “Điểm lại” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế Việt Nam được đánh giá tiếp tục có đà tăng trưởng tốt năm 2017. Năm nay, GDP Việt Nam được dự báo tăng 6,7%, cao hơn so với 6,3% trong báo cáo ra cách đây nửa năm và khớp với mục tiêu 6,7% của Chính phủ. Tốc độ này dự báo trong 2 năm tới là 6,5%.

WB cho rằng kinh tế Việt Nam đang được hỗ trợ bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. “Đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu cũng hồi phục trong năm 2017”, ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, “Thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống cũng giúp Việt Nam có thêm một năm khởi sắc, với tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định”.

wb-du-bao-viet-nam-tang-truong-6-7-nam-nay

Tăng trưởng của Việt Nam được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Ảnh: Reuters

Lạm phát thấp (ước tính 2,5% năm nay) và mức lương thực tế tăng giúp duy trì cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở mức cao. Đồng thời, kinh tế toàn cầu khởi sắc cũng hỗ trợ ngành nông nghiệp và chế tạo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam cũng ngày càng tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành chế tạo, xây dựng, bán lẻ và dịch vụ, giúp tăng năng suất lao động. Nhu cầu lao động tăng góp phần kéo lương lên cao, với mức tăng 15% giai đoạn 2014 – 2016. Xuất khẩu cũng tăng trưởng vượt trội so với nhiều nước trong khu vực.

Tuy vậy, WB đánh giá Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức mang tính cơ cấu. Như tốc độ tăng lực lượng lao động giảm do thay đổi về nhân khẩu học, đầu tư đang chững lại và vẫn dưới mức tiền khủng hoảng, tăng trưởng năng suất cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn lớn, vòng đệm về vốn chưa đủ dày, tín dụng tăng trưởng nhanh và hàm lượng tín dụng còn cao. Việc này sẽ đe dọa chất lượng hoạt động của ngành ngân hàng.

WB cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc giảm áp lực tài khóa, giúp giảm bội chi ngân sách và kiềm chế tăng nợ công. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng Việt Nam cần quan tâm tới hiệu quả trong dài hạn, khi vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng. Xuất khẩu tuy ấn tượng, nhưng cũng đang bị chi phối bởi khu vực đầu tư nước ngoài.

Ông Sebastian Eckardt – kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì nhấn mạnh cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên hiện tại. “Việt Nam có thể cải thiện tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước”, ông cho biết.

Báo cáo lần này của WB có chuyên đề đặc biệt về “Cải thiện hiệu quả, hiệu suất và tính công bằng trong chi tiêu công”, trong bối cảnh nợ công tiến sát ngưỡng 65%. Bà Vũ Hoàng Quyên – chuyên gia kinh tế tại WB cho biết chi tiêu của Chính phủ vẫn ở mức cao so với GDP, tỷ trọng chi thường xuyên tăng lên và chi đầu tư có xu hướng giảm.

Chi thường xuyên tăng do hoạt động an sinh xã hội, trả lương, tiền công và trả lãi. Trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư vẫn cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dù vậy, WB lại đánh giá cao chính sách tài khóa chú trọng đến tính công bằng tại Việt Nam, góp phần giảm nghèo đáng kể. Hệ số Gini đo mức độ bất bình đẳng thu nhập tại Việt Nam hiện tương đối thấp.

Hà Thu

vnexpress

BÌNH LUẬN