Nhằm khơi dậy và phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh Bắc Giang đã phát động phong trào khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Linh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

 

Ông Nguyễn Văn Linh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (ngoài cùng bên phải) – tại buổi tọa đàm với chủ đề thanh niên khởi nghiệp và phát động Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp Bắc Giang năm 2017

UBND tỉnh Bắc Giang đã phát động phong trào khởi nghiệp, theo đó, nhiều mô hình khởi nghiệp đã thành công. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang duy trì 139 mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế; 155 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, còn không ít mô hình khởi nghiệp của phụ nữ, DN…

Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN khởi nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã duy trì hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ cấp tỉnh và 4 câu lạc bộ doanh nhân trẻ tại các huyện và thành phố; hỗ trợ 27 dự án thanh niên phát triển kinh tế với 2.435 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm, kênh Trung ương Đoàn và nhận ủy thác trên 200 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” nhằm khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Kế hoạch đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 12.000 lao động nữ; hỗ trợ ít nhất 6.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp…

Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bắc Giang đã và đang mang lại hiệu quả rõ nét. Đơn cử, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Dinh Đồng (xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa) đã đầu tư 2 dãy chuồng trại nuôi gà với hệ thống quạt thông gió, dây chuyền cho ăn tự động, hệ thống đèn sưởi… Thu nhập của trang trại khá ổn định, đạt khoảng gần 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, đâu là những rào cản của phong trào khởi nghiệp hiện nay?

Báo cáo kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2016 cho thấy, huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn khoảng 30,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,44 tỷ USD. Chúng tôi vui vì người dân có nguồn thu cao, có tiền gửi tiết kiệm nhưng cũng chưa vui vì đồng vốn này chưa được đầu tư vào sản xuất – kinh doanh, góp phần hình thành các DN, tạo hiệu quả cao hơn.

Nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức của người dân, chưa dám và chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động khởi nghiệp, lợi ích của DN để người dân vượt qua rào cản. Từ đó, có khát vọng làm giàu, không chỉ trong công nghiệp, dịch vụ mà còn ở lĩnh vực nông nghiệp.

Thêm nữa, vẫn còn rào cản là “bệnh vô cảm” ở một bộ phận cán bộ công chức trực tiếp hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp. Một số cơ quan hành chính, ngân hàng, tư pháp còn nặng hành chính quan liêu. Đáng tiếc, vẫn có vụ việc vận dụng pháp luật chưa tốt khiến DN chưa yên tâm sản xuất – kinh doanh. Còn có biểu hiện về lợi ích nhóm của một số cán bộ công chức, đối xử không công bằng giữa các DN, tạo môi trường bất bình đẳng trong sản xuất – kinh doanh, làm giảm lòng tin của người dân và DN. Trên thực tế, vẫn còn chồng chéo quy hoạch về đô thị, đất đai, thương mại, dịch vụ và thiếu công khai, minh bạch về chính sách, ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính. Hệ thống hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp còn yếu, giao thông thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của DN…

Những rào cản này cần được nhận diện một cách đầy đủ để tập trung giải quyết và khắc phục.

Thời gian tới, Bắc Giang sẽ có những giải pháp nhưthế nào để hỗ trợ DN?

Là tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, khi tái lập tỉnh năm 1997, GDP bình quân đầu người chỉ có 170 USD. Dù vậy, với truyền thống văn hiến và cách mạng, khát vọng vươn lên, Bắc Giang nay đã có nhiều đổi thay, phát triển.

Bắc Giang xác định: Muốn tỉnh phát triển mạnh, thu nhập đầu người bằng mức bình quân của cả nước, không có con đường nào khác là tạo dựng phong trào khởi nghiệp, xây dựng DN thành trụ cột của nền kinh tế địa phương. Thực chất của khởi nghiệp là thành lập nhiều DN, góp phần tạo việc làm, tăng nguồn thu, phát triển bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền các cấp, lãnh đạo tỉnh sẽ nỗ lực tạo môi trường lành mạnh, khắc phục rào cản còn tồn tại để phong trào khởi nghiệp rộng khắp và khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng của người dân; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ DN về đất đai, vốn, tín dụng, pháp lý, truyền thông…

Ngoài ra, tạo niềm tin của người dân và DN vào bộ máy chính quyền, đặc biệt là những người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Thước đo của phong trào khởi nghiệp là có nhiều DN được thành lập, phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu, đóng góp lớn cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Anh

baocongthuong

 

BÌNH LUẬN