Một bệnh nhân nữ mắc bệnh quai bị sau khi tự uống thuốc điều trị tại nhà phải nhập viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng biến chứng nặng – viêm màng não.
Theo tin từ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ đầu tháng Mười Một đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh dịch do thời tiết đông xuân như sởi, quai bị, cúm, thủy đậu… Số trường hợp nhiễm bệnh đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt có ca do không chăm sóc và điều trị đúng cách dẫn đến biến chứng nặng.
Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị một số trường hợp mắc quai bị biến chứng viêm màng não, đáng chú ý có trường hợp cả nhà cùng mắc quai bị.
Số bệnh nhân đến khám quai bị gia tăng. (Ảnh VTV). |
Bệnh nhân H.H., 35 tuổi (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) nhập viện với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện. Cả chồng và con trai 5 tuổi của bệnh nhân đều bị mắc quai bị nhưng không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về uống. Sau khi uống kháng sinh 5 ngày không đỡ, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn mới chịu đến bệnh viện. Tại khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân được xác định viêm màng não do VR.
BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo – virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi.
“Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não – màng não…
Dấu hiệu đặc trưng nhận biết quai bị là mệt mỏi, đau đầu, nhức tai, cảm giác sợ gió; một bên má sưng lên rồi dần lây lan qua bên còn lại; vùng bị sưng nhưng không có hiện tượng tấy đỏ, đau nhưng không tạo mủ; sốt cao, sốt 39-40 độ C trong khoảng 3-4 ngày”, BS. Cường lưu ý.
Ngoài bệnh quai bị, bệnh sởi cũng là dịch bệnh gây nhiều lo ngại cho mọi người trong mùa đông xuân. Bệnh sởi thường gặp nhiều ở trẻ em do chưa được tiêm chủng đầy đủ nhưng không ít trường hợp là người lớn với nhiều biến chứng nặng. Từ đầu tháng Mười Một, khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi với những triệu chứng nặng như ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng. Ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh dịch mùa đông xuân, người dân cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ để có miễn dịch với bệnh.
N.Giang