Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của TP HCM và Hà Nội ước tính vọt lên 4 triệu m2 sàn trong 3 năm tới.
Cushman & Wakefield vừa công bố báo cáo về thị trường mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn của Việt Nam với nguồn cung đạt mức kỷ lục trong lịch sử vào giai đoạn 2018-2020.
Trong 2 năm tới, các ngành dịch vụ ăn uống, thời trang và chăm sóc sức khoẻ sẽ là các ngành chủ chốt dẫn dắt sự phát triển của ngành bán lẻ tại các thành phố lớn.
Theo đánh giá của đơn vị này, thị trường bán lẻ Việt Nam đang hoàn thiện và thêm nhiều diện tích cho thuê mới. Cụ thể thị trường sẽ đón thêm 400.000 m2 mới vào năm 2018. Nếu tính đến năm 2020, tổng diện tích sàn bán lẻ dự kiến đạt 4 triệu m2. Vingroup, nhà bán lẻ lớn nhất thị trường khi nâng tổng số trung tâm thương mại lên 44 ở 23 tỉnh thành trong cả nước.
Hiện nay tại các khu vực trung tâm thành phố, nhu cầu thuê nhà phố thương mại vẫn tiếp tục cao do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng. Kết quả là giá thuê mặt bằng ở các khu vực này bị đẩy lên cao. Các khu vực CBD (trung tâm) của TP HCM và Hà Nội hầu hết đều có giá thuê mặt bằng cao gấp 2 lần các khu vực còn lại.
Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn của Việt Nam đang tăng nhanh và có thể đạt mốc 4 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Vũ Lê |
Trong báo cáo về những thị trường có giá thuê mặt bằng bán lẻ cao nhất thế giới năm 2017 và nhận định về thị trường bán lẻ châu Á Thái Bình Dương, bà Mai Võ, Trưởng Dịch vụ bán lẻ của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng đưa ra nhiều nhận xét biến chuyển của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Chuyên gia này cho biết, trong 10 năm tới, tầng lớp cư dân mới có thu nhập cao sẽ xuất hiện. Tầng lớp này hiện chỉ chiếm 1% tổng dân số, nhưng đến 2020 con số này tối thiểu sẽ là 10%. Lớp dân cư mới này sẽ đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của ngành bán lẻ hàng hoá cao cấp như xe hơi, căn hộ cao cấp và biệt thự.
Thương mại điện tử Việt Nam cũng sẽ chứng kiến một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới sau khi ngành công nghiệp tương đối mới này đạt được doanh thu ấn tượng gần 4 tỷ USD và được kỳ vọng đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Đơn vị này dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự bành trướng của thương mại điện tử nhờ vào các yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học.
Vũ Lê