Chị Hằng chỉ mất khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày để làm việc nhà, thời gian còn lại chị tranh thủ làm thêm, tăng thu nhập.

Bài viết là chia sẻ của chị Hằng, 35 tuổi, dạy ngoại ngữ ở Hà Nội, về cách tiết kiệm cũng như tích lũy cho con.

Cô giáo tiếng Anh chia sẻ cách tiết kiệm 70% thu nhậpTôi và chồng đều là người tỉnh lẻ, bạn học với nhau. Nhờ không ngừng cố gắng, sau chục năm kết hôn, chồng tôi giành được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ của các tổ chức nước ngoài. Còn tôi cũng được các bậc phụ huynh và học sinh tin tưởng, theo học lâu dài.

Thu nhập những năm qua không ngừng tăng lên nhưng vợ chồng tôi không vì thế mà tăng mức sống. Trong cuộc sống, tôi luôn sống vừa với khả năng của mình, không so sánh, cũng tuyệt nhiên không vay mượn cho bằng người khác. Đồ đạc dùng trong gia đình tôi luôn mua có chủ đích, tìm hiểu kỹ và nguồn gốc rõ ràng. Thường thì nhà tôi hay dùng đồ trung bình của Nhật, Đức, Thái hoặc Hàn, không quá đắt mà bền, đẹp.

Tôi quan niệm tiết kiệm thời gian, đầu tư cho sức khỏe, mối quan hệ cũng là tiết kiệm tiền bạc.

Thường thì cuối tuần, tôi lên danh sách thực đơn cơ bản cho tuần kế tiếp, mua đồ và chuẩn bị sẵn. Tôi mua các thiết bị tiết kiệm sức lao động như robot, nồi chiên, máy rửa bát… Trong nhà đóng nhiều kệ tủ để cất đồ cho gọn, đồ không cần thiết thì vứt bỏ. Tính ra thời gian làm việc nhà mỗi ngày của tôi chỉ khoảng 30 phút, cùng lắm là một tiếng. Nhờ vậy tôi tiết kiệm được khá nhiều thời gian để làm thêm (dạy học, dịch thuật), mỗi tháng cũng kiếm thêm được chục triệu đồng.

Về sức khỏe, dù bận đến đâu tôi cũng đặt ra mục tiêu tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần một giờ, để cơ thể thải độc tố qua mồ hôi và hơi thở, tinh thần phấn chấn hơn. Hai mẹ con tôi thường tập yoga cùng nhau, ngoài ra con còn chơi thêm bóng đá, cầu lông; chồng tôi thì chơi bóng đá, cầu lông mỗi ngày. Trộm vía, mấy năm qua cả nhà tôi chẳng mất lấy viên thuốc nào.

Mối quan hệ gia đình được vợ chồng tôi rất đầu tư. Mỗi ngày dù bận đến đâu, hai đứa cũng dành riêng cho nhau ít nhất 30 phút để âu yếm, tâm sự hay góp ý về công việc. Chúng tôi không chỉ là tình nhân mà còn là bạn bè. Quan hệ bên nội, ngoại cũng trở nên khăng khít rất nhiều kể từ khi tôi nhận ra sự vô tâm của mình, đặt bản thân vào vị trí của người khác để hiểu họ.

Lương chúng tôi không hẳn cao nhưng sống giản dị nên tôi tiết kiệm được khoảng 70% thu nhập của hai vợ chồng. Mỗi tháng tôi đều ngắt ngọn, để lại số tiền đủ chi tiêu cho một tháng và tiền dự phòng, còn lại thì mua vàng hoặc gửi tiết kiệm. Sau một năm tôi sẽ rút ra gửi kỳ hạn 13 tháng để được lãi cao nhất (gần 8%/năm).

Sau vài năm, tôi sẽ đầu tư vào bất động sản, săn mảnh đất hoặc nhà vừa tầm có giá gấp đôi số tiền mình có, rồi vay thêm. Tính tôi sòng phẳng và sống thật nên vay mượn cũng dễ. Cứ thế trả nợ xong, tôi lại tích lũy đủ nửa số tiền, rồi đầu tư tiếp.

Bây giờ, thu nhập thụ động (khoản cho thuê nhà, lãi cổ tức, lãi tiết kiệm) cũng đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu của gia đình tôi. Hai năm nay không còn áp lực kiếm tiền nên tôi đã nghỉ việc, tự mở lớp dạy ở nhà dạy nhóm nhỏ vài bạn để cô không mệt, trò học hành tiến bộ và yêu thích tiếng Anh hơn.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ bệnh tật nên tôi đã trải qua tuổi thơ đầy cơ cực, thiếu thốn. 

Từ khi lập gia đình, có con, tôi luôn cố gắng dành ra một khoản bất khả xâm phạm cho con, để nếu bố mẹ có mệnh hệ gì thì con vẫn được sống đầy đủ, được bồi dưỡng đam mê, được học hành mà không phải mang nỗi lo cơm áo gạo tiền như tôi năm xưa.

Ngoài mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe cho con, tôi cũng đã để dành cho con được một ngôi nhà. Nhà này tôi đem cho thuê, hiện tiền cho thuê hàng tháng cũng đủ cho con đi học. Tôi dự định sau này nếu con muốn đi du học mà không xin được học bổng toàn phần thì có thể bán nhà đó đi hoặc nếu không cần dùng đến thì sau này con có thể để ở hoặc lấy vốn kinh doanh.

Tôi vẫn tin nếu có bệ đỡ và sự giáo dục, định hướng tốt, con sẽ phát triển bản thân và sự nghiệp tốt hơn.

Thúy Hằng

vnexpress

BÌNH LUẬN