Một câu chuyện về tri thức và nhân cách được gieo nên từ tình yêu thương, lòng nhẫn nại của người thầy.
Tên sách: Câu chuyện đời tôi (tự truyện Helen Keller)
Người dịch: Nguyễn Thành Nhân
Helen Keller (1880 – 1968) là một biểu tượng của tinh thần khát khao vươn đến tri thức, Tạp chí Time xếp bà vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20. Sinh thời, nhà văn khiếm thị, khiếm thính này được nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới tiếp đón và vinh danh. Tổ chức Helen Keller International do bà và George Kessler sáng lập với mục tiêu hỗ trợ người khiếm thị đang hoạt động ở 22 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Bà là tác giả của 12 cuốn sách và nhiều bài báo.
Cuốn tự truyện về cuộc đời bà, trong đó có nhiều trang xúc động về tình cảm thầy trò, vừa được chuyển ngữ và phát hành trong nước.
Năm 1880, Arthur H. Keller – một cựu sĩ quan của Quân đội Liên minh sống ở thị trấn nhỏ Tuscumbia thuộc tiểu bang Alabama – và người vợ thứ hai của ông – bà Kate Adams – có con chung đầu tiên giữa họ là cô bé Helen Keller. Không may sau khi chào đời chưa bao lâu, Helen mắc bệnh sung huyết cấp tính dạ dày và não. Dù vượt qua cái chết như một phép màu, di chứng của căn bệnh ngày ấy khiến Helen Keller mù lòa và điếc vĩnh viễn.
Sống trong những ngày tháng tối tăm, bà viết trong tự truyện của mình: “Đôi khi tôi đứng giữa hai người đang trò chuyện và sờ vào môi họ. Tôi không thể hiểu được họ nói gì, thế nên tôi nổi cáu. Tôi mấp máy môi và khoa chân múa tay điên cuồng mà không được gì cả”.
Tự truyện về Helen Keller vừa phát hành trong nước. |
Phải sống trong thế giới không ánh sáng, không âm thanh, Helen không thể gửi thông điệp của mình đến với người xung quanh. Mong muốn được khám phá thế giới của bà bị bức tường vô hình của bóng tối và im lặng ngăn lại. Với những cảm xúc non nớt không thể bộc bạch và sự tăng động bản năng của một đứa trẻ, bà cô độc trong thế giới không màu sắc, không tiếng động suốt thời gian dài. Tình trạng như vậy tưởng chừng sẽ kéo dài mãi mãi, đến một ngày, Helen gặp người thầy đầu tiên của mình, cô giáo Sullivan, người đã bằng tình yêu thương dìu dắt bà ra khỏi bóng tối của giác quan và mang đến ánh sáng tri thức cho bà.
“Ngày quan trọng nhất mà tôi sẽ nhớ suốt đời là ngày cô giáo tôi, cô Anne Mansfield Sullivan, đến với tôi”, Helen Keller nhớ lại. Đó là ngày 3/3/1887, ba tháng trước ngày cô bé Helen lên 7. Bà viết: “Tôi vẫn kinh ngạc nghĩ tới sự trái ngược không gì nói hết giữa hai cuộc đời được sự kiện này kết nối lại”.
Không vô tình mà Helen Keller có được cuộc gặp gỡ định mệnh với cô giáo Sullivan. Vì mong muốn tìm một ngôi trường để Helen có thể học như bao đứa trẻ, cha bà đã đưa con gái đi từ quê nhà đến các vùng xa xôi như Baltimore, Massachusetts, rồi Washington để tìm nơi học. Cuối cùng, hy vọng lại đến từ Boston.
Cô giáo Sullivan là giáo viên học viện Perkins ở Boston, nơi có thành tựu dạy dỗ những học sinh khiếm thị vào thời ấy. Sớm hiểu được may mắn khi được cô tìm đến nhà và nhận làm học trò, Helen nhanh chóng quên mình là đứa trẻ mù lòa. Một thế giới đầy đủ những sắc màu và âm thanh được mở ra từ khi cô giáo Sullivan bước vào cuộc đời Helen. “Chính sự thiên tài của cô, sự đồng cảm nhanh chóng, sự tế nhị tràn đầy yêu thương của cô đã khiến cho những năm học đầu đời của tôi trở nên đẹp đẽ”, bà nhớ về người thầy của mình.
Bằng cách viết lên tay cô học trò từng chữ cái đầu tiên, cô giáo Sullivan đã giúp Helen từ một bé gái câm điếc, mù lòa nhanh chóng nói được bình thường và trở thành một nữ sinh xuất chúng. Nhờ vào tinh thần học tập cấp tiến và tự do biểu đạt ý nghĩ, năm 1896 Helen Keller đỗ vào trường nữ sinh Cambridge, tại đây Helen vẫn còn là học trò của cô giáo Sullivan. Đến mùa hè năm 1899, Helen thi dự tuyển và cuối cùng là đỗ Đại học Radcliffe, trở thành người đầu tiên của nước Mỹ làm được điều này. Trước khi hoàn thành chương trình đại học, Helen Keller đã học máy đánh chữ thành thạo, phát huy cao khả năng sáng tác văn chương và kịch.
Sau khi tinh thần học tập của Helen lan khắp nước Mỹ và ra thế giới, bà được biết đến như một người truyền lửa của thế hệ trẻ. Bà đi diễn thuyết ở 37 quốc gia và bà thường xuyên đến các bệnh viện để nói chuyện với các binh lính bị thương trong hai cuộc chiến tranh thế giới, câu chuyện bước ra ngoài bóng tối của bà giúp họ vững vàng hơn. Dù đi đến đâu, làm gì Helen cũng luôn nhớ đến người thầy đầu tiên: “Tất cả những gì tốt đẹp trong tôi đều thuộc về cô – không một tài năng, một khát khao hay một niềm vui nào trong tôi mà lại không được đánh thức bởi cái chạm đầy tình thương mến của cô”.
Hữu Nam