Các tia vũ trụ tốc độ cao từ ngoài không gian mang theo lượng lớn hạt phản vật chất chưa rõ nguồn gốc.
Các tia vũ trụ dội xuống Trái Đất mang theo nhiều phản hạt. Ảnh: Phys.org. |
Các nhà khoa học từng cho rằng, lượng phản hạt nhiều bất thường dội xuống Trái Đất theo các tia vũ trụ do sao xung gây ra. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy giả thuyết này không chính xác, Science Alert hôm 17/11 đưa tin.
Tia vũ trụ là những hạt nhỏ di chuyển cực nhanh vì chúng được bắn xuống từ ngoài không gian với năng lượng cao. Positron, phản hạt của electron, chiếm một phần nhỏ trong số này và các nhà khoa học chưa rõ chúng hình thành như thế nào hay đến từ đâu.
Năm 2008, tàu thăm dò PAMELA hoạt động trên quỹ đạo phát hiện, số lượng positron năng lượng cao dội xuống Trái Đất lớn hơn nhiều so với ước tính của các nhà khoa học, khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Một đội ngũ đông đảo gồm các nhà nghiên cứu quốc tế tiến hành phân tích số liệu từ Đài quan sát High-Altitude Water Cherenkov (HAWC) ở Mexico để kiểm tra giả thuyết lượng phản vật chất dồi dào được tạo ra từ sao xung.
Sao xung là những ngôi sao neutron hướng các hạt mang điện thành một tia tập trung nhờ từ trường cực mạnh. Khi tia này va chạm với bụi và khí xung quanh, nó hoạt động giống như một máy gia tốc hạt khổng lồ khiến các hạt đập vào nhau và tạo ra vật chất mới từ năng lượng đó.