Tác phẩm của Lưu Trọng Ninh tái hiện sống động hoàn cảnh, số phận người nông dân miền Bắc một thời.
Thương nhớ ở ai dài 34 tập, phát sóng vào 14h30 thứ bảy, chủ nhật hàng tuần từ ngày 4/11. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, lấy bối cảnh ở làng Đông – một vùng quê Bắc bộ điển hình những năm 1950 – 1960. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ khao khát được yêu thương nhưng không thể vượt qua định kiến của xã hội.
Sau bốn tập đầu, phim nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đại diện Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết rating các phim phát sóng ở khung 14h30 thứ bảy, chủ nhật thường đạt 5 – 6%, còn rating của Thương nhớ ở ai lên đến 7%. Trên mạng xã hội, nhất là fanpage của bộ phim, khán giả bình luận sôi nổi về phim với hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận. Mỗi trích đoạn của phim trên fanpage cũng thu hút khoảng 100.000 lượt xem.
“Phim khiến tôi ấn tượng về cả nội dung và nghệ thuật. Tôi từng đọc Bến không chồng và dường như phim còn khắc họa rõ nét số phận người nông dân trước 1975 hơn truyện”, khán giả Hồng Hạnh nhận xét trên mạng xã hội. “Tôi mong được xem nhiều bộ phim về đề tài nông thôn xưa như vậy để giới trẻ có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống của cha ông”, khán giả Thanh Vân (62 tuổi), chia sẻ.
Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết bất ngờ khi hiệu ứng của phim tốt hơn cả Ngược chiều nước mắt – tác phẩm về đề tài tình yêu mà đơn vị này đặt nhiều kỳ vọng.
Ngọc Anh (vai Nhân) và Lâm Vissay (vai Vạn) trong phim. |
Thương nhớ ở ai thu hút nhờ xây dựng tuyến nhân vật sinh động, có nét tính cách và số phận đặc trưng. Đạo diễn kiêm biên kịch Lưu Trọng Ninh chia sẻ anh không chọn diễn viên nổi tiếng. Tiêu chí anh hướng đến là hợp vai. Anh giữ lại các nhân vật chính từ tiểu thuyết như Vạn, Nhân, Hạnh.
Vạn là bộ đội phục viên, về làng Đông làm xã đội trưởng. Sau nhiều năm rời xa quê nhà, anh trở về làng với mong muốn xây dựng quê hương giàu đẹp. Vạn tốt bụng, luôn yêu thương và bảo vệ những phụ nữ bất hạnh. Tuy nhiên, Vạn dần bế tắc bởi không hòa nhập được với những hủ tục phong kiến ở quê nhà. Nhân – người đàn bà góa thủy chung – luôn dặn dò các con sống xứng đáng với truyền thống của gia đình liệt sĩ. Nhân có tình cảm với Vạn nhưng không dám vượt qua định kiến để đến với anh. Sau này, Vạn trót có tình một đêm với Hạnh – con gái Nhân – khiến mối quan hệ của ba người rơi vào bế tắc.
Để làm mới câu chuyện so với tiểu thuyết và bản điện ảnh do chính anh thực hiện từ 17 năm trước, đạo diễn sáng tạo thêm các vai diễn như ông chủ tịch xã “quái thai” Đột, Quất – anh cán bộ văn hóa xã không có trình độ, cô ca nương bị ruồng rẫy tên Nương…
Các diễn viên trong Thương nhớ ở ai đều diễn tròn vai. Nhà thơ Thủy Anna cho rằng Thanh Hương (vai Nương) diễn điệu bộ của một cô đào hát ở tỉnh về quê một cách sống động. Hồng Kim Hạnh diễn vai Hơn – cô con dâu địa chủ. Cô không vùng vằng, khóc lóc mà khiến người xem cảm động bởi gương mặt đau đớn đến vô cảm. Ngọc Anh lột tả được vẻ cam chịu, nhẫn nhịn xen lẫn sợ hãi người vợ góa Nhân.
Phim gây chú ý bởi nhiều cảnh tượng trần trụi, khắc họa chân thực nỗi thống khổ của người dân Việt Nam ở vùng quê Bắc bộ thời kỳ trước 1975.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng chia sẻ anh chọn phụ nữ làm nhân vật trung tâm khi khắc họa thời kỳ nghèo khổ, bế tắc của người nông dân Việt Nam. “Nỗi đau của thời đại in hằn lên số phận phụ nữ rõ nét hơn đàn ông”, Lưu Trọng Ninh nói. Trong tập một, hình ảnh cô gái chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi, trói tay, thả bè trôi sông gây ám ảnh. Lũ trẻ hò nhau ném đá, chửi rủa cô. Khi đào hát Nương muốn cứu cô gái, ông lái đò ngăn cản vì sợ cả làng ruồng rẫy. Khi Liễu cùng Nương trở về làng, hai cô gái bị người dân xua đuổi vì cho rằng họ làm bại hoại gia phong.
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cũng bị đả kích qua cách biểu đạt nội dung mang tính châm biếm. Trong một trích đoạn, anh nông dân dáng người loắt choắt cầm đòn gánh, đuổi đánh bà vợ to béo. Khi anh bộ đội phục viên Vạn can ngăn vụ việc bằng cách xô ngã ông chồng, bà vợ lại giãy nảy lên “Ai cho mày đánh chồng bà”. Ông ta ra oai bằng cách bắt lũ con đồng thanh đọc: “Chúng con là lũ vịt giời, bé thời ăn hại lớn thời bay đi”.
Thương nhớ ở ai cũng nhìn thẳng vào nỗi đau từ phong trào cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ. Dụng ý này được khắc họa qua số phận nhân vật Hơn – con dâu nhà địa chủ. Cả nhà chồng bị xử tội, tịch thu tài sản, xua đuổi. Hai mẹ con Hơn đành ra bến nước nơi các bà góa tụ tập ngồi. Trong đêm mưa gió, Hơn gõ cửa từng nhà, quỳ lạy các “ông bà nông dân” để giữ lại mạng sống cho chồng nhưng không được.
Ngoài ra, phim thành công khi tái hiện khung cảnh nông thôn Bắc Bộ. “Từ con đường, cây gạo, cầu tre, giếng nước, nếp nhà hiện lên, khiến những người nhớ ký ức vụn vỡ, có thể chắp vá lại dễ dàng qua từng thước phim”, tác giả Thủy Anna bày tỏ. Về âm nhạc, các làn điệu chèo, quan họ, xẩm, ca trù… được đan cài hợp lý trong nhều trích đoạn, khơi gợi cảm xúc của người xem.
Tuy nhiên, Thương nhớ ở ai cũng gặp phản ứng về trang phục khi dàn diễn viên nữ không mặc nội y. Ngoài ra, một số khán giả nhận xét nhiều đoạn hội thoại trong phim còn thô, suồng sã.
Hà Thu