Emile Hirsch vào vai chàng lính yêu góa phụ Anh Tử (Lưu Diệc Phi) trong “Phong hỏa phương phi”.
Emile Hirsch chia sẻ trên QQ Phong hỏa phương phi (Chinese Widow) là bộ phim chiến tranh, có nhiều cảnh nguy hiểm. Nhưng những khó khăn trên trường quay không để lại ấn tượng sâu sắc với anh như nụ hôn với Lưu Diệc Phi. “Hôn cô ấy là buổi quay khó quên nhất với tôi”, tài tử nói.
Emile Hirsch sinh năm 1985, từng tham gia nhiều tác phẩm như: The Dangerous Lives of Altar Boys, Lords of Dogtown, Vincent N Roxxy...
Cảnh quay của Emile Hirsch, Lưu Diệc Phi trong “Phong hỏa phương phi”. Ảnh: QQ. |
Lưu Diệc Phi cho biết từ lúc đọc kịch bản tới khi đóng cảnh hôn Emile Hirsch, cô luôn có nhiều cảm xúc. Vai diễn của cô – Anh Tử – kìm nén tình yêu với Jack (Emile Hirsch). Lý trí không cho phép cô đến với anh. Hai người hôn nhau để từ biệt, cảnh tình cảm đó là cuộc chiến giữa trái tim và lý trí.
Phim có bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau trận tấn công Trân Châu Cảng. Diệc Phi vào vai góa phụ, một mình nuôi con gái, không được người xung quanh tôn trọng. Cô nảy sinh tình cảm với Jack – phi công của Mỹ – sau khi cứu anh khỏi một tai nạn.
Trong phim, Lưu Diệc Phi ít nói, mặc trang phục cũ kỹ và có những đoạn biểu diễn với mặt mộc. Đoàn phim từng chuẩn bị một số trang phục mới cho Diệc Phi nhưng đạo diễn Bille August không sử dụng vì muốn cô thật bình dị khi hóa thành phụ nữ nông thôn.
Theo Ifeng, tác phẩm nhận ý kiến trái chiều. Không ít khán giả cho rằng tình tiết phim chậm, không có cao trào trong khi bộ phận khác đánh giá đây là phim thuần nghệ thuật, chú trọng chi tiết và cách thể hiện nội tâm nhân vật. “Sự đơn giản, chân thành và phương pháp diễn đạt thuần túy làm người xem cảm động”, một khán giả viết trên Ifeng.
Đạo diễn Bille August chỉ dẫn Lưu Diệc Phi trên trường quay. Ảnh: QQ. |
Đạo diễn Bille August cho biết ông hoàn toàn có thể biến nội dung lắt léo, nhiều cao trào hơn nhưng mục đích của ông là thể hiện câu chuyện tình yêu thuần khiết một cách giản đơn nhất.
Bille August là nhà làm phim người Đan Mạch từng hai lần đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes cho tác phẩm Pelle Erobreren (năm 1988) và The Best Intentions (năm 1992). Pelle Erobreren còn chiến thắng tại Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.