Ăn uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, nhìn mờ, vết thương lâu lành, cảm giác châm chích ở lòng bàn chân, cảnh báo bạn có thể bị tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng, khoa Nội Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park TPHCM cho biết, độ tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường là trên 45.
Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh này là dư cân, béo phì; vòng bụng ở nam giới lớn hơn 90 cm, nữ lớn hơn 80 cm. Người bị tăng huyết áp thường xuyên, rối loạn chuyển hóa mỡ cũng có nguy cơ bị tiểu đường. Ngoài ra nhóm dễ mắc bệnh là phụ nữ sinh con nặng hơn 4 kg, hội chứng buồng trứng đa nang, lối sống ít vận động và gia đình có người bệnh tiểu đường.
Theo bác sĩ Thắng, để tránh bệnh tiểu đường cần tập thói quen ăn uống hợp lý, vận động thể dục thường xuyên. Ăn đủ và cân đối các chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng, giới tính, tình trạng sinh lý, mức độ lao động, hoạt động thể lực. Ăn nhiều rau củ giúp cung cấp vitamin, chất khoáng, hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Khẩu phần ăn đạm động vật ít hơn đạm thực vật trong ngày, tăng cường ăn cá, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và nước ngọt. Tập thể dục thường xuyên và điều độ, ít nhất năm lần trong tuần, mỗi lần từ 30 đến 60 phút.
Để tránh các biến chứng do tiểu đường, bác sĩ Thắng khuyên, người bệnh cần kiểm tra đường huyết định kỳ, không hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, khám mắt thường xuyên, tiêm ngừa các văcxin cần thiết như cúm, viêm phổi. Chăm sóc đôi chân và sức khỏe răng miệng hàng ngày, kiểm soát căng thẳng.
Cao Khẩm