Nếu bạn tìm cớ “trốn” đi đám cưới đồng nghiệp vì sợ tốn tiền thì đó rõ ràng không phải là chuyện tiết kiệm nữa.
Bạn thận trọng tiết kiệm một phần thu nhập phòng khi rủi ro? Quá tốt. Bạn để dành tiền vào quỹ đầu tư hay đóng bảo hiểm vì muốn khi nghỉ hưu thảnh thơi? Đó là điều đáng tự hào. Bạn bè chẳng còn mời bạn ra ngoài ăn tối bởi bạn luôn sợ tốn? Đã đến lúc cần nghĩ lại thứ tự ưu tiên của mình.
Khi bạn bước qua ranh giới của sự tiết kiệm và trở thành bần tiện, các thói quen có thể khiến bạn đánh mất cả những mối quan hệ đáng giá. Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo điều này, theo Cnbc:
Bạn tránh hoặc chi bủn xỉn cho các sự kiện quan trọng vì ngại tốn
Ở đây không nhắc tới việc bạn từ chối đi đám cưới một người họ hàng xa lắc cả vài năm chẳng gặp. Sẽ là vấn đề khi bạn tránh đám cưới đồng nghiệp vì không muốn tốn tiền mừng. Hay cả nhà bạn yêu thích ăn ở nhà hàng Tây nhưng bạn nhất quyết đưa mọi người tới quán của người Hoa vì vừa vớ được một phiếu giảm giá ở đó.
Nếu bạn lảng tránh các sự kiện và lấy tiền bạc ra làm lý do, đã đến lúc cần xem lại chính mình. Tiết kiệm tiền là tốt nhưng các mối quan hệ còn đáng giá hơn là giữ được vài trăm trong tài khoản.
Ảnh minh họa: CBS. |
Bạn xỉa xói thói quen chi tiêu của bạn bè mình
Nếu bạn bảo với cô bạn thân rằng mình sẽ chẳng bao giờ tiêu nhiều tiền vào thứ họ vừa mua, đó là một dấu hiệu cảnh báo. Điều tương tự khi bạn bình luận kiểu dạy dỗ người khác cách tiết kiệm như mình.
Trở thành một người cực kỳ tiết kiệm sẽ chẳng thành vấn đề cho tới khi việc đó trở thành cái cớ để bạn phán xét thói quen tiêu xài của người khác. Mỗi người có thứ tự ưu tiên riêng và họ sẽ chi cho thứ họ cho là quan trọng.
Bạn lái xe cả quãng dài chỉ để tiết kiệm vài xu
Chẳng có gì sai với việc cố gắng cắt giảm các chi phí mua sắm mỗi ngày nhưng liệu bạn lái xe cả tiếng chỉ để chọn mua được ở nơi rẻ hơn vài chục nghìn có đáng? Mặc dù đi 5 cửa hàng khách nhau có thể giúp bạn mua được giá tốt nhất nhưng số tiền tiết kiệm được không xứng với thời gian và công sức mất đi.
Cả ngày bạn chỉ quanh quẩn với chuyện tiết kiệm tiền
Bạn dành bao nhiêu giờ để tiết kiệm? Thức giấc là bạn đã lướt Facebook hay các trang mạng để săn các phiếu giảm giá và xem lại ngân sách mình có bao nhiêu vào mỗi sáng?
Chẳng có lý do gì phải xấu hổ khi mặc cả mua hàng, kể cả khi bạn khá giả. Tuy nhiên, khi việc tiết kiệm trở thành một nỗi ám ảnh, đã đến lúc cần nhìn lại. Hãy là người tiêu dùng thông minh nhưng đừng để tiền điều khiển cuộc sống của mình.
Bạn làm những việc không trung thực chỉ để tiết kiệm vài đồng
Sẽ chẳng hại ai nếu bạn “dùng nhờ” wifi nhà hàng xóm? Làm những việc không trung thực hay thiếu đạo đức để tiết kiệm tiền là việc không thể chấp nhận. Nói cách khác, nếu bạn không đủ tiền ăn hàng, đừng bước vào đó rồi tìm cớ để ăn không phải trả tiền.
Bạn liên tục thay các đồ hỏng
Những chiếc quần jean rẻ tiền không phải món hời nếu đã rách, tuột chỉ sau 3 lần giặt. Điều này cũng tương tự khi nói tới đồ chơi, đồ gia dụng… giá rẻ. Bạn cần xem xét lại cách tiêu dùng của mình nếu luôn phải thay thế hay sửa chữa đồ đã mua. Về lâu dài, việc mua hàng hóa chất lượng tốt sẽ tiết kiệm hơn.
Bạn vượt quá ngân sách để “tiết kiệm”
Đây là phần tinh vi nhất về việc tiết kiệm: Nó thực sự có thể khiến bạn tiêu nhiều tiền hơn. Các nhà bán lẻ biết điều này và đó là lý do họ gửi các thư điện tử chào mời giao hàng miễn phí hay giảm giá vài phần trăm nếu bạn mua một lượng nhất định. Khi đó, bạn có thể tiêu tới một triệu trong khi chỉ định mua vài trăm. Nếu ngân sách của bạn không cho phép tiêu đến mức đó, bạn lại lấy lý do “để tiết kiệm chi phí” làm cái cớ.
Với nhiều người, tiết kiệm tiền là một niềm vui và như một trò chơi vượt thách thức. Tuy nhiên, nếu đi quá xa, việc cắt giảm các chi phí có thể gây tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và những điều quan trọng trong cuộc sống.
Vương Linh