Điểm số khi đi học chỉ có giá trị tức thì, kiến thức thật, thái độ, hành vi… của con mới là những điều giúp con thành công sau này.

Là một chuyên gia giáo dục, trong quá trình làm việc với học sinh các cấp từ mầm non đến đại học cũng như các bậc phụ huynh, tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận thấy một số cha mẹ nuôi dạy con thường chỉ quan tâm đến hiện tại mà ít hướng đến tương lai xa của con. 

1. Ép con ăn để béo mũm mĩm

Các mẹ nuôi con nhỏ khi nhồi cho con ăn để béo mũm mĩm là chỉ nghĩ đến hình ảnh của con hiện tại mà không hề nghĩ đến tương lai sau này của con. Mẹ nên nhớ, nếu con quá béo, chắc chắn con sẽ có rất nhiều nguy cơ bệnh tật. Thực ra điều đáng quan tâm nhất là chiều cao và sức khỏe của con, nếu con vẫn cao đều liên tục, con ít ốm là mẹ đã làm đúng.

2. Cấm đoán con ra ngoài chơi để tránh bị ốm

Đây cũng là do cha mẹ chỉ quan tâm thời điểm hiện tại mà không nhìn ra tương lai. Chúng ta không thể giam giữ mãi con ở trong nhà cả đời. Vì thế, điều quan trọng là cho con làm quen với môi trường bên ngoài càng sớm càng tốt, con ốm sốt chút rồi sẽ khỏi. Chơi cũng là cách tiếp thu kiến thức tốt nhất của trẻ. Nếu bị giam giữ mãi ở nhà thì con sẽ ngày càng yếu ớt.

3. Ép con học từ tuổi mầm non

Mầm non là tuổi học kĩ năng và hành vi ứng xử. Nhồi con học chữ sớm không đảm bảo sau này con sẽ giỏi hơn người khác mà lại làm lỡ đi thời gian con học kĩ năng. Sau này, khi con ra đời, kĩ năng của con mới là thứ giúp con thành công, thái độ hành vi tốt của con mới giúp con được yêu quý. Vì thế, các cha mẹ cần phải cân nhắc kĩ trước khi ép trẻ mầm non học kiến thức văn hóa.

mot-so-sai-lam-cua-cha-me-khien-con-khong-the-tien-xa

Tuổi mầm non là giai đoạn con học các kĩ năng chứ không phải là học kiến thức văn hóa – Ảnh: teachaway

4. Quá quan tâm đến điểm số ở trường của con

Điểm số chỉ có giá trị tức thì, sau 10, 20 năm, chẳng ai để ý đến điểm số của con nữa. Giá trị thật của con, kiến thức thật con có, kĩ năng con thành thạo, thái độ hành vi ứng xử của con chính là những điều sẽ làm nên con sau này. Đây cũng là những thứ để con sống, tạo dựng cuộc đời và tìm chỗ đứng cho chính mình.

Nếu chỉ quan tâm đến điểm số, các cha mẹ sẽ dần dần bỏ lỡ những thời khắc dạy con quan trọng. Kiến thức có thể học cả đời nhưng kĩ năng và thái độ thì phải được hình thành từ lúc bé. Để con lớn mới học, vừa khó khăn vừa ít hiệu quả.

5. Chạy theo các kỳ thi học sinh giỏi

Mỗi kì thi học sinh giỏi chỉ có giá trị tức thời. Sau 5 năm, giải thưởng đó cũng hết được quan tâm. Sau 20 năm, nhiều người cũng không muốn nói về những giải thưởng thời trẻ của mình nữa. Mỗi kì thi chẳng có giá trị lâu dài. Nó chỉ là thứ để chúng ta khoe nhau tức thì. Quá chú tâm cho các kì thi thì con có nguy cơ bỏ lỡ nhiều thứ khác quan trọng hơn.

6. Nói chuyện tiêu cực trước mặt con

Trong bữa cơm gia đình, để xả stress, các cha mẹ nói những chuyện tiêu cực trong xã hội, nói xấu người nọ người kia… Trẻ nhỏ là những máy thu nhận thông tin rất nhanh nhạy, liệu các cha mẹ có xây dựng niềm tin cuộc sống cho con hay không, hay là đã tạo ra những đứa trẻ trong đầu chứa đầy những ý nghĩ tiêu cực, chán nản và mệt mỏi.

Tôi đi dạy trẻ, thấy nhiều em nhỏ rất tinh quái, soi mói và thiếu niềm tin vào người khác. Xảy ra một chuyện gì đó dù nhỏ hay lớn, chúng cũng lập tức nghi ngờ lẫn nhau, nghi ngờ người lớn (thầy cô giáo, cha mẹ). Với sự thiếu niềm tin và đầy suy nghĩ tiêu cực như vậy, liệu lớn lên các em có thực sự ham sống, dám cống hiến và dám làm hết mình vì một khát vọng nào đó?

Nghĩ về tương lai khi dạy con là điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta luôn đặt ra câu hỏi: Với việc ta dạy con bây giờ, 10 – 20 năm sau con thế nào, thì chắc chắn chúng ta sẽ chọn được hướng dạy con đúng đắn nhất.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội

vnexpress

BÌNH LUẬN