Tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve kế thừa phần phim cũ và tiếp tục đề cập nhiều vấn đề về sự tồn tại, bản chất sự sống.

Ra mắt năm 1982, Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott là một trong những phim khoa học viễn tưởng xuất sắc mọi thời đại. Câu chuyện lấy bối cảnh tương lai, nơi những người máy nhân bản (replicant) được chế tạo với chức năng gần như con người. Thông qua hành trình của viên cảnh sát blade runner chuyên săn robot Rick Deckard (Harrison Ford), tác phẩm đặt ra nhiều câu hỏi táo bạo về sự tồn tại, ý thức cá nhân cũng như sự phân biệt giữa con người và trí tuệ nhân tạo.

Khi phần tiếp theo – Blade Runner 2049 – được lên kế hoạch và giao cho Denis Villeneuve, nhiều khán giả tò mò liệu nhà làm phim Canada sẽ làm mới một tác phẩm kinh điển thế nào. Tác phẩm lấy bối cảnh 30 năm sau phần đầu, khi việc chế tạo robot rơi vào tay nhà khoa học bí ẩn Neander Wallace (Jared Leto). Các người máy đời mới được cấy ký ức giả tinh vi, khiến chúng có cảm xúc và tính cách như người thật. Chúng cũng có vòng đời lớn hơn và đóng vai trò chủ đạo trong nhiều hoạt động xã hội. Trong khi đó, những robot đời cũ bị đặt ngoài vòng pháp luật và bị thanh trừng dần dần.

Trong một nhiệm vụ, viên cảnh sát blade runner K (Ryan Gosling) – vốn là một người máy đời mới – phát hiện thi thể của một robot nữ đã qua đời khi mổ sinh con nhiều năm trước. Choáng ngợp trước việc người máy có khả năng sinh sản, sếp của sở cảnh sát giao cho K việc lùng giết đứa bé này. Hành trình đưa K chạm trán với nhiều thế lực như lực lượng của Wallace và phong trào nổi dậy của người máy. Đồng thời, anh gặp gỡ Rick Deckard – nhân vật chính của phần trước đang quy ẩn.

Dưới lớp vỏ của câu chuyện săn lùng với nhiều tình tiết bất ngờ, Blade Runner 2049 – tiếp nối phần trước – thẳng thắn đặt ra những câu hỏi triết học. Điều gì khiến một con người là con người? Điều gì là thật? Bản chất của sự tồn tại là gì? Ý nghĩa của sự sống là gì?

Trong phần đầu, ký ức thật và sự thấu cảm được dùng như chi tiết phân định giữa người và máy. Ở Blade Runner 2049, các biên kịch đưa thêm khả năng sinh sản vào câu chuyện, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc tranh luận. Việc robot có thể sinh sản chứng tỏ sự đoạn tuyệt của họ với những người chủ, không còn phụ thuộc vào chủ để tạo ra thế hệ sau. Các người máy xem khả năng sinh sản như một phép màu, chứng tỏ họ có thể đứng ngang hàng với con người bởi có khả năng duy trì nòi giống – một đặc tính của sinh vật. Ở tầng nghĩa cao hơn, sự sinh sản còn được đồng nhất hóa với việc tạo ra linh hồn. Khi được giao nhiệm vụ giết đứa trẻ, K ngập ngừng rồi trả lời: “Tôi tin nếu thứ gì đó được sinh ra, nó có linh hồn”.

Với nhân vật chính là một người máy, Blade Runner 2049 có tiền đề để đào sâu vào những câu hỏi về sự tồn tại của ký ức và bản chất. Ở đầu phim, K thản nhiên kể lại một kỷ niệm tuổi thơ của mình với sếp, đồng thời khẳng định anh biết chúng được cấy ghép. Tuy nhiên, đến giữa phim, anh dần hoài nghi thân phận và ký ức của mình.

K là mẫu nhân vật đặc biệt bởi sở hữu ý thức và khả năng hành động, nhưng lại bế tắc trong việc xác định danh tính. Trong hồi ba, sự phát triển của nhân vật tương đồng với Roy – kẻ phản diện trong phần đầu. Không thể trả lời rốt ráo các câu hỏi về bản chất trong thời lượng phim, tác phẩm đưa ra một giải pháp trừu tượng. Bằng việc thể hiện “ý chí tự do”, nhân vật K khẳng định bản ngã của mình. Sự tồn tại của một cá thể được định nghĩa bằng việc anh ta có thể tự lựa chọn con đường cho mình, giống như K từ một sát thủ máu lạnh trở thành một người tìm thấy thứ xứng đáng để tranh đấu.

cau-hoi-ve-triet-ly-va-ban-chat-su-song-trong-blade-runner-2049

Một cảnh giữa K và Joi.

Nhiều khán giả cũng sẽ có suy ngẫm với nhân vật Joi (Ana de Armas) – cô bạn gái của K, vốn là một chương trình ảnh ảo. Những hành động của Joi vừa giống được lập trình, vừa như có ý thức tự thân. Cô có thể cảm nhận được cơn mưa, thấy đau đớn khi sắp phải chia ly bạn trai, nhưng đồng thời biết mình chỉ là một chương trình được tạo ra từ dãy số nhị phân. Trong cảnh sex táo bạo ở giữa phim, Joi thậm chí đồng bộ hóa với một người máy làng chơi để ân ái với K và có những khao khát như một phụ nữ đích thực. Nhân vật này gợi nhớ đến vai diễn trí tuệ nhân tạo do Scarlett Johansson lồng tiếng trong Her.

Thừa hưởng di sản của Ridley Scott, đạo diễn Denis Villeneuve cùng nhà quay phim lão luyện Roger Deakins mở rộng thế giới Blade Runner, thể hiện một thời đại mà ô nhiễm lên cao, thời tiết khắc nghiệt hơn và con người sống túm tụm trong các bức tường khổng lồ. Dù phản ánh các vấn đề triết học giữa người và máy, Blade Runner 2049 không có nhiều đoạn thoại kéo dài và đậm đặc từ ngữ giống những phim cùng chủ đề gần đây như Westworld hay Ex Machina. Trái lại, tác phẩm chú trọng hơn đến việc xây dựng không gian xung quanh, sử dụng hình ảnh như một yếu tố quan trọng trong việc dẫn chuyện.

Ở những cảnh đầu, thành phố Los Angeles hiện lên với những cảnh ban đêm, tông màu tối, ngoại trừ các bảng hiệu neon và ảnh ảo sặc sỡ. Bối cảnh thể hiện sự gò bó, đồng thời phản chiếu chính hình ảnh của K lúc này – một robot lạnh lẽo sống giữa thế giới giả tạo.

cau-hoi-ve-triet-ly-va-ban-chat-su-song-trong-blade-runner-2049-1

Cảnh Ryan Gosling tiến vào thành phố.

Đến giữa phim, nhà làm phim sử dụng tông đơn sắc cam cho một cảnh toàn ngoạn mục khi K tiến vào thành phố đổ nát. Màu cam vừa là thủ thuật của nhà làm phim để thể hiện nhiệt độ cao khi biến đổi khí hậu, vừa gợi cảm giác xa lạ bởi đây là sắc thái ít thấy trong tự nhiên (trừ vùng sa mạc). Màu cam cũng ẩn ý cho hy vọng của K lúc này vào thân phận của mình. Khi hy vọng này bị dập tắt, sắc cam cũng biến mất khỏi phim và màu sắc trở lại như trước.

Một cảnh gây ấn tượng mạnh về thị giác gần cuối là trích đoạn K giáp mặt một ảnh ảo giống Joi. Đạo diễn chọn cách phối màu gồm sắc tím, mái tóc xanh dương và ánh sáng xanh lá phía sau ảnh ảo gợi cảm giác nhân tạo, còn trong bố cục khung hình, sự khổng lồ của ảnh ảo đối lập với hình ảnh nhỏ bé của K. Toàn thể cảnh quay phản ánh tâm trạng rối bời và sự cay đắng của nhân vật khi nhận ra bản chất nhân tạo của mình.

Trong đoạn cuối, Denis Villeneuve có quyết định táo bạo khi bỏ lửng cuộc đoàn tụ của Deckard mà tập trung vào chi tiết K ngước mặt lên nhìn tuyết. Trích đoạn vừa gợi nhớ hồi kết của phần trước, vừa tạo sự kết nối với trích đoạn nhân vật Joi cảm nhận mưa rơi.

cau-hoi-ve-triet-ly-va-ban-chat-su-song-trong-blade-runner-2049-2

Cảnh K đối mặt ảnh ảo.

Với 163 phút, Blade Runner 2049 có thời lượng vượt trội so với đa số tác phẩm kinh phí lớn đương đại. Nhịp phim luôn được giữ từ tốn, giữa những câu thoại là các khoảng dừng đáng kể. Ngay cả trong các cảnh chiến đấu, cách ngắt nhịp của phim cũng chậm hơn nhiều so với các tựa hành động hay giật gân. Phần âm thanh được sử dụng để tạo bầu không khí ngột ngạt, khiến tác phẩm có phần kỳ bí và đáng sợ hơn.

Ryan Gosling là lựa chọn hoàn hảo cho vai chính – một nhân vật giằng xé với những câu hỏi nội tâm. Ẩn dưới vẻ ngoài điển trai, lạnh lùng, đôi mắt tài tử sinh năm 1980 thể hiện sự mệt mỏi, nghi hoặc của nhân vật. Jared Leto cũng gây ấn tượng với kiểu nhân vật mang ảo tưởng thống trị, có tâm lý huyễn hoặc rằng mình là thần linh (căn cứ của nhân vật được xây giống một kim tự tháp – nơi ở của các pharaoh Ai Cập, những người tự xem mình là thần). Trong khi đó, Harrison Ford xuất hiện ít nhưng tương tác tốt với Gosling và có một lớp diễn xúc động khi nhân vật của ông bị Wallace bắt giam.

Trong nỗ lực mở rộng thế giới của phần trước, ở vài chỗ, đạo diễn sa đà vào nhiều tuyến phụ mà chưa giải quyết thấu đáo chuyện chính như kế hoạch của Wallace hay cuộc nổi loạn của nhóm robot. Tác phẩm mở đầu và kết thúc với K, tạo thành vòng lặp trọn vẹn với nhân vật này, nhưng còn để hở nhiều mối nối khiến tổng thể chưa chặt. Đây có thể là dụng ý của đạo diễn để tiếp tục câu chuyện trong phần sau, dù hiện tại, các nhà sản xuất chưa có kế hoạch cụ thể.

Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 20/10.

Ân Nguyễn

vnexpress

BÌNH LUẬN