Các chuyên gia y tế cảnh báo, với thói quen tự ý dùng kháng sinh và lạm dụng thuốc của bệnh nhân đã khiến cho vi khuẩn HP kháng với nhiều loại kháng sinh.
Tại hội nghị Khoa học quốc tế về tiêu hóa gan mật diễn ra ngày 8/10 do trung tâm Nội soi, bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức, các chuyên gia đưa ra cảnh báo: Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trở nên phổ biến và người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc, tự ý thay đổi đơn thuốc của bác sĩ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều đó dẫn đến việc chữa trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian, tốn kém hơn.
Theo thống kê mới công bố, 70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn HP – nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư. Điều đáng lo ngại là tình hình đề kháng kháng sinh với vi khuẩn HP đang gia tăng ở châu Á, đặc biệt là với kháng sinh Levofloxacin.
Vi khuẩn HP kháng nhiều loại thuốc kháng sinh. (Ảnh minh họa). |
Tại Việt Nam, tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP khá cao. Nhiều loại thuốc điều trị HP tại nhiều nước đạt hiệu quả tới 80%-90%, thì ở Việt Nam tỉ lệ thành công chỉ dưới 80%, thậm chí có những loại thuốc, tỉ lệ thành công trong điều trị khoảng 50%-60%.
PGS.TS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là một trong các hội nghị quốc tế lớn về chuyên ngành tiêu hóa gan mật ở Việt Nam được tổ chức nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ y tế làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Trước đó, các chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân khác nhau nhưng rất phổ biến dẫn tới tình trạng vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh như sau:
Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh khác: Bệnh do vi khuẩn HP gây ra trên người thường diễn ra sau nhiều bệnh khác như bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa dưới… Trong quá trình điều trị các bệnh lý khác bằng thuốc kháng sinh, vô tình người bệnh đã để cho vi khuẩn HP tiếp xúc với thuốc kháng sinh mà lẽ ra có thể tiêu diệt được chúng.
Tuy nhiên, để tiêu diệt vi khuẩn HP trong dạ dày, thuốc đó phải sử dụng với liều cao hơn, kéo dài hơn so với điều trị nhiễm khuẩn thông thường. Dần dần theo thời gian, vi khuẩn HP đã tiếp xúc với loại kháng sinh đó sẽ phát triển cơ chế để “né” tránh tác động của kháng sinh và đề kháng hoàn toàn với loại kháng sinh đó.
Không tuân thủ đúng phác đồ điều trị HP: Điều này cũng xảy ra phổ biến, khi bệnh nhân điều trị bệnh lý dạ dày do vi khuẩn HP gây ra tự ý bỏ thuốc khi triệu chứng đã hết (vi khuẩn HP vẫn chưa hết) hoặc quên uống thuốc trong quá trình điều trị. Chính điều đó cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn HP có cơ hội tồn tại và kháng thuốc.
Sai sót của hệ thống y tế: Việc mua bán kháng sinh để điều trị bệnh dễ dàng tại tất cả các điểm bán thuốc; quản lý tư vấn bán thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn tại các nhà thuốc còn lỏng lẻo… Đó là những lỗ hổng phổ biến trong hệ thống y tế tại Việt Nam dẫn tới HP kháng thuốc gia tăng nhanh chóng.
N.Giang
Nguồn: nguoiduatin