Con trai quá hiền lành nên hay bị bạn cùng lớp trêu ghẹo, bắt nạt, chị Lan quyết định đào tạo tính phản kháng cho con.
Vào lớp 1, Minh Hiếu – con trai chị Lan (Hà Nội) hay bị bạn nam cùng lớp trêu chọc, huých khuỷu tay vào người và hất sách vở trên bàn xuống đất. Hiếu vốn nhút nhát lại thấp còi nhất lớp nên chỉ biết òa khóc, không dám làm gì. Nhờ cô giáo can thiệp, nhắc nhở nhẹ nhàng nam sinh kia không được, chị Lan quyết định dạy con cách phản kháng.
Chị Lan nhờ em chồng (sống cùng nhà) cứ mỗi lần gặp Hiếu lại trêu đi trêu lại một câu “cháu gái bé bỏng mít ướt của cô”. Ban đầu, Hiếu chỉ cãi “không phải là cháu gái”, rồi “không chơi với cô nữa”. Sau một tuần hậm hực, ngày thứ bảy bị trêu chọc cả buổi chiều, cậu bé xông vào đấm đá cô. Khi đến lớp, Hiếu không còn òa khóc khi bị trêu nữa mà sẵn sàng kháng cự, khiến bạn nam kia sợ.
Một phụ huynh khác để chứng minh con mạnh mẽ, không yếu đuối dễ bị bắt nạt như con nghĩ, đã dạy trẻ thử làm đau mẹ bằng cách cắn thật lực. Khi nhìn thấy vết bầm tím trên tay mẹ, con mới tin mình mạnh thật và từ đó tự tin hơn.
Nhiều phụ huynh khác cho con đi học võ để mạnh mẽ hơn và sẵn sàng tự vệ trước những trò trêu trọc, tấn công của bạn.
Nhiều học sinh bị bạn bắt nạt ở trường học. Ảnh minh hoạ: En.wikipedia.org. |
TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích, phần lớn trẻ bị bắt nạt tính nhút nhát, không có kỹ năng kết giao bạn bè nên thường bị cô lập. Việc cha mẹ giúp con tự tin, kết giao nhiều bạn là cách để thoát khỏi việc bị chèn ép. “Chiêu” giúp con kết bạn là mỗi ngày đưa con một gói kẹo chia cho các bạn, thường xuyên hỏi về bạn trong lớp để con hình thành thói quen trò chuyện, tìm hiểu về những người gần gũi với mình.
“Bố mẹ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của trẻ. Sự can thiệp của người lớn có thể khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng, thậm chí dẫn đến những vụ việc lớn như nhiều người nhà kéo đến trường đánh, chửi bạn bè của con”, TS Hương nói. Việc phụ huynh mách cô giáo hoặc xúi con mách cô cũng không phải cách làm hay. Cháu của TS Hương từng bị bạn xịt nước nóng vào người để trả thù khi phụ huynh và giáo viên bắt tay giải quyết vụ bắt nạt.
“Hãy để trẻ tự xử lý các vấn đề riêng của mình”, chuyên gia giáo dục khuyên. Phương pháp này chị Hương đã áp dụng thành công với con gái mình khi cháu hay bị bạn bắt nạt ở trường.
“Học lớp 3, con được làm tổ trưởng nhưng vì hiền quá nên liên tục bị bạn trêu chọc. Anh Thư về nhà kêu khóc, tôi đã nói rằng: Mẹ biết việc này cực kỳ khó chịu song mẹ là người ngoài, không thể can thiệp vào việc của con được. Con hãy tự nghĩ cách xử trí nhé“, nữ tiến sĩ kể.
Chị đồng thời chỉ cho con thiệt hơn nếu mách giáo viên chuyện bạn bắt nạt mình. Mấy hôm sau Anh Thư đi học về thủ thỉ “đã xử lý được các bạn”. Cách mà em đã dùng là đứng trước lớp nói không làm tổ trưởng nữa vì hay bị bạn trêu chọc. Khi cô giáo hỏi để ai thay thế, Anh Thư chỉ vào người trêu mình nhiều nhất. Cậu bạn đó sợ phát khóc, nhưng vẫn bị bắt làm tổ trưởng và việc bắt nạt chấm dứt.
“Khi ra đời, các con sẽ phải đối phó với nhiều tình huống bị người khác chèn ép, nên thay vì ra tay giúp con, chúng ta hãy để trẻ tự nghĩ cách hoặc hướng dẫn một số chiêu trò để con tự thoát thân và mạnh mẽ hơn. Có những cách giải quyết chỉ đám trẻ mới nghĩ ra và hợp lý”, TS Hương nói.
*Tên nhân vật đã thay đổi.