Anh Phan Hồng Minh – CEO JupViec.vn hy vọng qua đây nhiều dự án sẽ có cơ hội phát triển và tìm được tiếng nói chung với cộng đồng.
JupViec.vn thành lập năm 2012, là công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình theo giờ, từ sáng đến tối, ở lại nhà… Hiện đơn vị tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động giúp việc hoạt động tại Hà Nội với 60.000 khách hàng.
Anh Minh cho biết lao động do JupViec.vn cung cấp đảm bảo các tiêu chí về hồ sơ nhân thân, sức khỏe và kiến thức cũng như kỹ năng của người giúp việc. Hiện tốc độ tăng trưởng trung bình của công ty là gấp đôi sau mỗi năm. Dự án này đạt giải nhì cuộc thi Startup Việt 2016 do VnExpress tổ chức.
“Một năm sau cuộc thi, JupViec.vn phát triển thêm được nhiều khách hàng và uy tín với các đối tác cũng tăng lên nhiều. Ngoài ra, cơ hội chia sẻ trong cuộc thi cũng giúp khách hàng hiểu và thông cảm hơn với những khó khăn mà một startup đang phải trải qua”, anh nói.
Đội ngũ JupViec.vn thực hiện công việc. Ảnh: JupViec.vn. |
Trong năm qua, công ty cũng giới thiệu phiên bản ứng dụng mới dành cho khách hàng và nhân viên như xem thông tin về mức thu nhập, số giờ làm, lịch làm việc, quãng đường di chuyển đến nhà khách hàng… Định hướng trong thời gian tới của đơn vị là duy trì tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng thông qua tập trung vào đào tạo và áp dụng công nghệ trong đào tạo và tổ chức vận hành.
Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, nhà sáng lập cho biết trong thời gian qua có nhiều thay đổi và phát triển đáng kể. Điển hình là thanh toán trực tuyến và nền tảng Internet đã tốt hơn trước. Ngoài ra, sự tham gia của các ông lớn cũng giúp người dùng Việt Nam quen với việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Bên cạnh đó, trải nghiệm trong 5 năm tham gia cộng đồng khởi nghiệp, anh Minh cho rằng người làm startup rất nhiệt tình và máu lửa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ trải nghiệm thực tế và đó chính là điểm bất lợi. Khi đó, gặp việc gì cũng dễ cảm thấy khó khăn, thiếu thốn và không có định hướng để giải quyết vấn đề.
CEO Phan Hồng Minh. Ảnh: JupViec.vn. |
Ngoài ra, startup còn chịu áp lực từ những phản hồi của cộng đồng. CEO dẫn chứng ở các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật, doanh nghiệp startup dù sản phẩm chưa tốt nhưng phần lớn vẫn được người dân trong nước chấp nhận và góp ý theo hướng tích cực. Từ đó, họ có cơ hội tiếp nhận góp ý, cải tiến sản phẩm và có cơ hội thành công hay vươn ra thị trường nước ngoài.
“Ở Việt Nam thì khi sản phẩm mới ra đời ít khi nhận được ủng hộ tương tự từ cộng đồng. Vì bản thân chúng ta đều đang nghi ngờ nhiều quá. Nếu được Nhà nước và các báo đài lớn truyền thông thì nhiều startup sẽ có cơ hội lớn mạnh lên rất nhanh”, anh chia sẻ.
CEO mong muốn vấn đề về hạ tầng như Internet, pháp lý, kế toán… sẽ được đơn giản hóa và xây dựng bền vững. “Nhờ đây các nhà sáng lập có thể toàn tâm toàn ý vào sản phẩm của mình, bớt đi những công việc hành chính khác”, anh nói.
Trương Sanh
Nguồn: vnexpress.net