Boom 4 tuổi, hiếu động và khá bướng bỉnh. Chị Minh Tâm, mẹ bé từng khá đau đầu để dạy con vâng lời, nhưng giờ thì dễ dàng hơn nhiều.
Dưới đây là chia sẻ của chị Minh Tâm, 34 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TP HCM về bí quyết khiến con vâng lời.
Không “lên lớp”, rao giảng
Trước đây, mỗi lần Boom mè nheo, đòi quà vặt, đồ chơi…, tôi lại thao thao bất tuyệt rằng ba mẹ cực khổ lắm mới có đủ tiền mua sữa, mua bánh, mua đồ chơi cho con. Nếu mua cho con mấy món đồ chơi này nữa có nghĩa là nhà ta sẽ thiếu tiền đóng tiền điện và có nguy cơ bị cắt điện…
Lúc đó, biểu hiện của Boom là có vẻ nghe nhưng không hiểu lắm. Ngay sau đó, bé lại tiếp tục đòi mẹ mua đồ chơi, kẹo bánh.
Boom và em gái – Ảnh: NVCC |
Bây giờ, tôi thử dùng biện pháp khác và điều kỳ diệu đã xảy ra. “Con ơi, mẹ nói con nghe nè. Bạn Bi nhà bác Tư đang bị bệnh. Bạn ấy đang thiếu sữa để uống. Chúng ta có thể không mua món đồ chơi này để dành tiền mua sữa tặng bạn Bi, con thấy được không?”. Boom vui vẻ: “Dạ được”. Vậy là bé đã ý thức được việc giúp đỡ người khác tốt hơn việc mua đồ chơi.
Lúc đó, dĩ nhiên tôi vẫn tặng bạn Bi một hộp sữa và một vài cây kẹo. Tôi nói với con: “Chúng ta yêu thương, quan tâm và chia sẻ lẫn nhau thì chúng ta sẽ cùng vui vẻ, hạnh phúc con yêu ạ”. Boom mắt long lanh như hiểu được điều mẹ nói và mỉm cười: “Mẹ ơi, ngày mai con sẽ không mua đồ chơi nữa, mẹ để dành tiền khi nào bạn Gate, bạn Bill bệnh thì mẹ với con lại mua kẹo, sữa cho các bạn ấy mẹ nhé”. Tôi mừng vui khôn tả, bèn hỏi con: “Nếu mẹ bệnh, hay bố bệnh thì con có mua sữa cho bố mẹ không?”. “Dạ có chứ”, con trai nhanh nhảu.
Tôi nhận thấy, phương pháp “kể khổ” với con là vô hiệu. Thay vào đó, hướng dẫn con đến với những ứng xử thật nhỏ trong cuộc sống, với chính những người mà con hay tiếp xúc thì con sẽ lắng nghe, thấu hiểu, từ đó cũng ngoan ngoãn nghe lời hơn.
Nói lời dễ nghe, ngọt ngào với con
Hôm đó, Boom buồn bực vì phải đi học sau hai ngày nghỉ cuối tuần. Boom vẫn dậy đúng giờ nhưng không chịu đánh răng, rửa mặt. Boom mè nheo, nằm dài dưới nền nhà và nói: “Mẹ, cho con nghỉ thêm hôm nay nữa thôi, mai con sẽ đi học”.
Chồng tôi nóng nảy quát: “Con mau đứng dậy, rửa mặt đi học, nếu không ba sẽ lấy cây roi”. Boom có vẻ không sợ lời dọa, vẫn tiếp tục khóc lóc, ăn vạ.
Tôi cũng rất bực vì biết mình sẽ trễ giờ làm khi con như vậy. Những lần trước đó, tôi cũng như chồng cứ bực bội là la hét con, dùng roi dọa… nhưng con cũng chịu hợp tác. Làm vậy nhiều lần, tôi cảm thấy không đúng với con, cảm giác như mình chưa thuyết phục được con.
Thế nhưng hôm đó, tôi ôm Boom vào lòng, nói với con nhỏ nhẹ: “ Con yêu, bố và mẹ đều sắp trễ giờ làm, con cũng sẽ trễ học. Chúng ta sẽ không được vào công ty, vào lớp học vì đi trễ. Mẹ tin rằng, con là đứa bé rất ngoan, và con sẽ đi học đúng giờ nhất lớp trong ngày đầu tuần hôm nay. Nếu chúng ta đều ngoan thì chúng ta sẽ được cô giáo tuyên dương, con thấy sao?”
Ngay sau đó, Boom vui vẻ, gạt nước mắt và nói: “Lớp con, các bạn không ngoan sẽ không được cô giáo cho ăn kem ạ. Mẹ chở con đi học, và mẹ nhớ nói với cô giáo là con ngoan, đi học đúng giờ nhé. Cô sẽ cho con ăn kem”. Tôi vui vẻ: “Được rồi, con yêu, chúng ta nhanh lên thôi”. Sau đó thì cả nhà cùng đi học, đi làm thật vui vẻ.
Tôi nhận thấy, có những lúc dọa nạt, roi đòn sẽ không hiệu quả, hoặc hiệu quả nhưng lại không thuyết phục con cái của mình. Dùng những lời dỗ dành yêu thương và hướng con đến những mục đích tốt đẹp hơn: bé ngoan, bé đi học đúng giờ…, con thường vui vẻ hợp tác.
Ngoài ra, tôi cũng nghe theo các chuyên gia giáo dục, dạy con ngoan mà không dùng roi vọt cần thường xuyên giao tiếp, chơi đùa với con, giữ bình tĩnh khi con mắc lỗi, không nên quát tháo, la mắng con, hãy lờ đi khi con mè nheo, hạn chế cho con xem tivi, internet quá nhiều, bởi càng ngồi lâu bên tivi, internet, trẻ sẽ càng lỳ lợm hơn.
Minh Tâm
Nguồn: vnexpress.net