Chấm đen xuất hiện trong bản thảo Bakhshali về sau trở thành vòng tròn rỗng và cuối cùng được xem như biểu tượng của số 0.

nguon-goc-bieu-tuong-so-0-trong-toan-hocSố 0 được biểu diễn bằng các dấu chấm đen tròn trong bản thảo Bakhshali. Ảnh: Đại học Oxford.

Khái niệm số 0 là điều hiển nhiên đối với nhiều người, nhưng có thể do họ đã quá quen thuộc với nó. Các nhà khoa học trước đây cho rằng, biểu tượng số 0 xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 9 và 12. Nhưng thời điểm này có thể bị đẩy lùi lại 500 năm, nhờ phân tích mới về bản thảo Bakhshali, một tài liệu Ấn Độ cổ xưa được tìm thấy gần ngôi làng Bakhshali ở Pakistan vào năm 1881, theo Mother Nature Network.

Bản thảo Bakhshali được viết bằng tiếng Phạn Phật Giáo. Trong nội dung cuốn sách, người ta biểu diễn “số 0” bằng những chấm đen tròn. Các nhà nghiên cứu từ lâu giả định rằng tài liệu này có niên đại giữa thế kỷ 8 và 12, dựa trên một số yếu tố như phong cách viết và nội dung toán học.

Năm 2017, các nhà khoa học tại Thư viện Bodleian và Đơn vị Gia tốc Phóng xạ Carbon thuộc Đại học Oxford, Anh, cùng phối hợp thực hiện dự án xác định niện đại bản thảo Bakhshali bằng phương pháp đồng vị phóng xạ carbon. Kết quả cho thấy, bản thảo có độ tuổi từ năm 224 đến năm 383, sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Chấm đen xuất hiện trong bản thảo Bakhshali về sau trở thành vòng tròn rỗng, cuối cùng đại diện cho số 0.

“Số không trong bản thảo Bakhshali chưa phải là là một số cụ thể theo đúng nghĩa của nó mà được dùng như một phần giữ chỗ. Chúng ta viết 101 để biểu thị một trăm, không có hàng chục và một đơn vị. Số không thể hiện sự vắng mặt của hàng chục”, Marcus du Sautoy, giáo sư toán tại Đại học Oxford, cho biết.

Theo Richard Ovenden, quản lý thư viện Bodley, việc xác định niên đại của bản thảo Bakhshali có tầm quan trọng rất lớn đối với lịch sử toán học và nghiên cứu nền văn hóa Nam Á thời kỳ sơ khai. “Kết quả nghiên cứu đã chứng minh cho truyền thống khoa học lâu đời của tiểu lục địa này”, Ovenden nói.

Lê Hùng

Nguồn: vnexpress.net

BÌNH LUẬN