“Một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện, biết bố mẹ có tiền thì càng cần phải dạy có lao động mới được hưởng thụ”, chị Phương viết.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Anh Phương, một nhà báo, bà mẹ hai con đang sống tại Hà Nội, về cách chị giúp các con trai biết trân trọng lao động và quản lý tiền từ chuyện làm việc nhà.
Tôi có hai con trai, một bạn lớp 8 và một bạn lớp 2. Cậu anh bắt đầu làm việc nhà nhận lương từ hồi lớp 5 còn cậu em vừa “làm công” từ năm ngoái. Hai cháu làm việc nhà và lĩnh lương theo tuần. Bạn anh mỗi tuần được nhận 200.000 đồng để phụ trách các việc: cắm cơm, rửa bát và tự dọn phòng mình. Bé em đảm nhận xếp giày dép vào tủ hằng ngày, mỗi tuần lĩnh 50.000 đồng. Cả hai anh em đều rất vui khi làm việc và nhất là lúc được lĩnh lương.
Nhờ cách này mà cả hai cháu đều biết tính toán các khoản tiêu pha và có ý thức tự lập.
Cậu con trai bé đang học lớp 2 của chị Anh Phương tự ghi các việc mình cần làm trong ngày. Ảnh: NVCC. |
Cậu con trai lớn đã để dành tiền lương mẹ cho cũng khoản tiêu vặt để mua một chiếc điện thoại mà con thích. Tuần trước đi mua giày chàng cũng tự trả tiền thay vì mẹ trả và chọn đôi mình thích chứ không phải đôi mẹ muốn.
Thậm chí, có dịp phải đi công tác liên miên trong khi nhà đang sửa, tôi đã giao chìa khóa két sắt cho con lớn để cháu chủ động thanh toán tiền thợ, lo các khoản chi trong nhà. Bạn ấy rất khoái vì có cảm giác mình có vai trò quan trọng trong gia đình.
Dịp hè vừa rồi, khi cả gia đình đang nghỉ mát ở Đà Nẵng, cháu đã đi máy bay một mình chuyến một giờ ra Hà Nội vì có lịch tham gia trại hè. Khi con về đến sân bay Nội Bài, tôi chỉ cần gọi taxi quen tới đón cháu về nhà rồi sáng hôm sau con lại tự bắt xe lên Hòa Lạc nhập trại hè, trong lúc cả nhà vẫn ở lại Đà Nẵng vi vu tiếp.
Tôi tập cho con biết tiêu tiền từ rất sớm và không dạy con rằng nhà mình nghèo, thiếu tiền nên phải tiết kiệm. Tôi muốn con hiểu rằng muốn có tiền thì phải lao động. Tôi cũng lặng lẽ quan sát thái độ của các con với tiền ra sao. Cậu anh lớn trước đây không hề biết quý trọng tiền, cứ đi vào trung tâm thương mại là nằng nặc đòi mẹ mua cho đồ chơi đắt tiền, toàn tiền triệu.
Ảnh minh họa: Singapore Motherhood. |
Nhưng từ khi phải rửa bát, làm việc nhà để nhận công thì con đã biết tiếc tiền, mua gì cũng phải suy nghĩ. Chẳng hạn, muốn mua một chiếc tai nghe, con sẽ lên mạng tham khảo các hãng rồi chọn một cái có giá thành và chất lượng phù hợp nhất. Tôi cho rằng, đó là cái được lớn nhất khi dạy con cách kiếm tiền và giá trị của tiền. Giờ mới lớp 8 nhưng cháu luôn hỏi mẹ: “Lớn lên con làm gì thì hợp?” và hay thắc mắc kiểu như: “Mẹ ơi, các cửa hàng rửa xe họ kiếm tiền thế nào? Nghề A, nghề B thì làm việc ra sao, lương có cao không?”…
Mỗi gia đình có điều kiện riêng và mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau nên tôi chọn cách hợp với nhà mình, với con mình. Nhiều người không đồng tình việc cho con làm việc nhà rồi trả công. Nhưng một đứa trẻ sinh ra trong gia đình có chút điều kiện, được cưng chiều và biết nhà mình có tiền thì làm thế nào để bố mẹ từ chối con khi nó muốn hưởng thụ, muốn gì được nấy? Làm thế nào để dạy con kiếm tiền khó lắm khi nhà lúc nào cũng có tiền, nhà cao cửa rộng, xe cộ đầy đủ, đi nghỉ thì ở khu nghỉ dưỡng 5 sao, ăn uống toàn thứ đắt tiền? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ những điều rất thực tế là ai cũng phải lao động và lao động là để kiếm ra tiền.
Tôi luôn nói với con là tổng lương của cháu gần bằng một cô công nhân dệt may. Cô ấy có thể cũng chỉ kiếm được hơn 800.000/tháng nhưng phải lao động suốt ngày đêm.
Ngoài làm việc nhà, tôi cũng hướng cho con mùa hè sẽ lên phố bán tranh cho một người bạn để tiếp xúc thêm với khách nước ngoài. Hè năm vừa rồi, cu cậu còn có ý tưởng làm nước ép giảm cân đi bán cho các bạn béo của mẹ nhân thấy mẹ mua chiếc máy ép gần chục triệu. “Máy này ép ra nước trái cây rất ngon mà mình mẹ dùng thì lãng phí”, cậu lý luận khi muốn thuyết phục mẹ “đầu tư” cho kế hoạch của mình.
Tôi nghĩ, thế hệ tôi khi bằng tuổi con đã tự đan nón, đan chổi nuôi thân. Giờ cho con làm việc nhà và nhận lương để hiểu giá trị đồng tiền và biết tự phục vụ bản thân, lo cho gia đình là điều hết sức bình thường. Có như vậy, sau này khi con trưởng thành hay có gia đình riêng thì cũng biết tự chăm sóc chính mình và chia sẻ công việc với vợ, không phải chỉ ngồi đợi để được phục vụ.
Anh Phương
nguồn: vnexpress.net