Cách dùng giới từ chỉ nơi chốn trong phương ngữ Nam bộ

GD&TĐ – Trong cách nói của người Nam Bộ về vị trí các địa danh, vị trí của một vùng đất rất đặc biệt. Người nói phải biết mình ở đâu và vị trí mình muốn nói có quan hệ như thế nào so với vị trí mình đang đứng. Xin rút ra một số qui luật.

Trên và dưới

Trên và dưới được xác định theo 3 cách:

– Trên cao và dưới thấp.

Vùng đất, địa danh nào có vị trí cao hơn so với vùng đất khác thì được ghép giới từ trên, vùng thấp hơn sẽ đi với giới từ dưới. Tất nhiên vùng đất này thấp hơn vùng đất kia, nhưng cao hơn vùng đất khác, lúc ấy trong ứng xử sẽ khác.

Ví dụ: Núi Sam cao hơn chợ Châu Đốc, và chợ Châu Đốc cao hơn chợ Cái Dầu.

Nếu người đứng ở Núi Sam sẽ nói: “Xuống chợ Châu Đốc, xuống Cái Dầu”. Nếu đứng ở chợ Châu Đốc, bạn sẽ nói: “Lên Núi Sam, xuống Cái Dầu”, còn người đứng ở cái Dầu sẽ nói: “Lên Châu Đốc, lên Núi Sam”.

Tương tự, đứng ở TPHCM, người ta nói: “Xuống Long An, lên Bình Dương”. Còn đứng ở Mộc Hóa bạn sẽ nói: “Lên Long An, xuống Vĩnh Hưng”.

– Trên – dưới xác định theo hướng Bắc – Nam.

Tân An và Mỹ Tho có cao trình bằng nhau, thế nhưng người Mỹ Tho nói “lên Tân An”; còn người Tân An nói: “xuống Mỹ Tho”. Tương tự các địa phương có cao độ tương đương nhau, nhưng xếp thứ tự theo hướng Bắc-Nam như: Tây Ninh-Gò Dầu-Trãng Bàng- Đức Hòa-Đức Huệ… được dùng theo thứ tự trên dưới theo hướng. Ở khu vực cực Nam như Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau… cũng dùng tương tự.

– Trên dưới được xác định theo hướng thượng nguồn và hạ lưu sông Cửu Long.

Điều này xảy ra với khu vực trung Nam Bộ, ven sông Cửu Long: Lên Long Xuyên, xuống Cần Thơ. Lên Cần Thơ, xuống Sóc Trăng. Lên Vĩnh Long, xuống Trà Vinh. Lên Vĩnh Long, xuống Mỹ Tho…

Trong và ngoài

Hai giới từ này cũng phức tạp không kém. Thường thì trong tất cả ngôn ngữ, về mặt hình thức bên trong bên ngoài về mặt hình thể nhận biết ngay. Ví vụ trong nhà ngoài sân; trong nhà ngoài vườn, trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Thế nhưng trong phương ngữ Nam Bộ có cách so sánh trong ngoài theo mối quan hệ của chủ thể- khách thể. Cái nào mình tiếp xúc nhiều, gần gũi với mình thì cái đó thuộc bên trong; ngược lại là ngoài.

Ví dụ, bạn có một thửa đất mà xung quanh là vườn cây ăn trái, ở giữa là ruộng lúa. Dù đứng ở đâu người ta vẫn nói: “trong vườn, ngoài ruộng” và không nói ngược lại. Vì tần suất chăm sóc vườn nhiều hơn ruộng. Trong khu vực Nam Bộ, người ta dùng giới từ trên dưới, nhưng những địa danh ngoài Nam bộ người ta dùng từ ngoài: trên Đồng Nai, ngoài Phan Thiết, ngoài Huế, ngoài Trung, ngoài Hà Nội, ngoài Bắc, trong Nam…. Từ ngoài cũng được dùng cho các địa danh trên biển: ngoài Côn Đảo, ngoài Phú Quốc, ngoài Trường Sa…

Người Vĩnh Long nói: trên Sài Gòn, dưới Vĩnh Long, nhưng họ sẽ nói trong Sài Gòn, ngoài Hà Nội.

Bên và Bển

Hai địa danh đối ngạn một dòng sông người Nam Bộ dùng từ “bên”.

Ví dụ: Bên Cần Thơ, bên Bình Minh, bên Mỹ Tho, bên Bến Tre.

Khi cần nói tắt từ “bên ấy” người ta dùng từ “bển”. Phải hiểu là bên kia sông.

Chính lối dùng giới từ nơi chốn rất phức tạp như vậy, đòi hỏi người giao tiếp phải am tường về địa lý. Thực tế người không am tường địa lý Nam Bộ thì chưa phải là người Nam Bộ vậy!

Theo NGUYỄN NGỌC
Tài Hoa Trẻ

BÌNH LUẬN